THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 02:44

Cô giáo mầm non quá tải vì bố mẹ ỉ lại

 

Cần có những giải pháp kịp thời để giáo viên mầm non an tâm cống hiến và gắn bó với nghề nghiệp. Ảnh: Dương Ngọc

Phụ huynh đang quá ỉ lại

Khi hỏi “Giáo viên mầm non hiện nay đang bị quá tải điều gì?”, có một câu trả lời khá giống nhau từ phía giáo viên cho đến hiệu trưởng các trường mầm non tư thục là: “Giáo viên mầm non hiện nay thực sự đang bị quá tải. Áp lực đối với giáo viên mầm non đến từ tứ bề. Áp lực từ thời gian làm việc, từ chương trình dạy, từ thu nhập, từ cơ hội thăng tiến, từ cái nhìn của xã hội và từ cả phía phụ huynh”.

Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục tại quận Hoàng Mai, (Hà Nội) cho rằng, trong rất nhiều áp lực mà giáo viên mầm non đang gặp phải thì áp lực từ phụ huynh là áp lực khó nhìn thấy nhất, ít ai hiểu nhất nhưng lại là thứ áp lực vô hình hiện diện trong công việc của giáo viên mầm non mỗi ngày. Chính vì vậy mà câu chuyện của “bà mẹ xuề xòa nhất trường mầm non” đã không phản ứng với giáo viên khi hai lần liên tiếp nhìn thấy con mặc quần lót ngược khi trở về nhà, đã nhận được sự quan tâm rất lớn của những người làm trong nghề.

Tâm lý chung của phụ huynh hiện nay là muốn con được chăm sóc, chứ không phải là muốn con được hướng dẫn tự chăm sóc. Mỗi khi đón con ở trường, việc các phụ huynh quan tâm là quần áo của con có sạch sẽ không, con có được ăn no không… Thường thì phụ huynh đòi hỏi các giáo viên lao động chân tay là chính.

Có những kỹ năng cơ bản trong cấp học mầm non như ăn uống, đi vệ sinh, rửa tay chân, chào hỏi… là những yêu cầu bắt buộc. Đây là những yêu cầu cơ bản cho giáo viên và đương nhiên nhà trường, cô giáo phải có nghĩa vụ hướng dẫn các con. Tuy nhiên có những kỹ năng rất cần được hình thành đồng thời ở nhà, bởi sự hướng dẫn dạy dỗ của cha mẹ trẻ, nhưng thực tế thì nhiều phụ huynh giao phó hết cho giáo viên. Nhiều phụ huynh có suy nghĩ con mình ăn uống thế nào là việc của các cô mà không biết rằng, những thói quen đó phải được hình thành từ khi trẻ lên 6 tháng tuổi. Ví dụ, việc hướng dẫn cho con mặc quần chip như thế nào, gấp quần áo vào ba lô thế nào trước khi đến trường, thói quen cất giày dép vào tủ thế nào mỗi khi đi học về… Nếu bố mẹ dạy cho con hàng ngày sẽ dễ hơn rất nhiều là chờ đến ngày tới trường mầm non cho cô giáo dạy.

Vị hiệu trưởng muốn được giấu tên này cho rằng, câu hát “Cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô ấy hai mẹ hiền” luôn đúng không chỉ với cô giáo mầm non mà đúng cho cả phụ huynh. Muốn cô giáo được như mẹ hiền thì ở nhà mẹ phải là cô giáo của con. Trách nhiệm đối với trẻ mầm non của “mẹ” và “cô” phải là 50/50. Khi “mẹ” giao hết cho “cô” cả 50% trách nhiệm của mình thì đương nhiên “cô” sẽ bị quá tải. Công việc của người giáo viên là hướng dẫn trẻ thì thực tế, họ phải kiêm nhiệm đủ thứ việc. Có những thói quen cơ bản đáng lẽ đứa trẻ đã biết trước 1 tuổi thì đến lớp, giáo viên mầm non dường như phải dạy từ đầu. Giáo viên mầm non ở ta quá tải chủ yếu là vì vậy. Vì thế nên khi phụ huynh làm tốt vai trò của mình thì giáo viên sẽ tự nhiên giảm tải được một nửa công việc. Phụ huynh đáng lẽ ra phải giúp đỡ giáo viên những việc mà mình có thể giúp đỡ được, phải hướng dẫn cho con mình những kỹ năng con có thể làm được chứ không phải cái gì cũng đổ hết cho giáo viên. Bố mẹ nếu làm tốt chức năng của mình với trẻ, thì bỗng nhiên giáo viên sẽ được giảm tải ngay 50% lượng công việc hàng ngày.

Ngành cái gì cũng… nhất

Bà Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Trường mầm non Vương quốc trẻ thơ cho biết, hiện nay thời gian làm việc của các giáo viên mầm non thường từ 10 - 12 tiếng/ngày, trong khi công sở làm việc 8 tiếng mỗi ngày. Buổi trưa, những người làm ngành nghề khác có thể đi ra ngoài, còn giáo viên mầm non theo quy chế là không được ngủ. Các cô phải chăm sóc, xem trẻ ngủ có đạp chăn khỏi người không, có cháu nào đi vệ sinh không… Thời gian làm việc của họ là cả ngày. “Giáo viên mầm non không có một cái gì cả, không một khoản phụ cấp nào cả”, bà Huế nói.

Các nhà giáo dục thường đùa với nhau rằng: “Không thể thi được vào trường nào thì hãy thi vào trường mầm non”. Cái câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” ngày xưa, giờ lại rất đúng với giáo viên mầm non. Theo bà Huế, hiện nay, ngành sư phạm mầm non có nhiều tham vọng nhất (giúp trẻ phát triển toàn diện), có nhiều đòi hỏi nhất (chương trình phải dạy đúng/đủ; nhà trường phải đảm bảo an toàn vệ sinh, có đủ đồ dùng dạy học; đáp ứng những yêu cầu của phụ huynh: con tôi phải được quan tâm chăm sóc và phải được học chữ…), có nhiều nhu cầu nhất (phải lo cho trẻ từ cây viết đến cái khăn giấy…) và đối với khối trường tư thục thì có nhiều biến động nhất (số trẻ vào và ra thường xuyên). Chính vì vậy, người giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực nhất, không những đòi hỏi có chuyên môn về nghiệp vụ mà còn phải có nhiều kinh nghiệm…

 

Hàng nghìn giáo viên mầm non bỏ việc

Đa số giáo viên mầm non hiện nay không còn mấy thiết tha với nghề. Họ chỉ coi đây như một nghề để kiếm sống chỉ vì họ không có cơ hội nào khác. Cũng có không ít giáo viên đến với nghề mầm non xuất phát từ tình yêu và đam mê nhưng đi dạy một thời gian thì tình yêu đó cứ bị phôi pha dần và mất hẳn. Số liệu từ Sở Nội vụ TPHồ Chí Minh cho thấy, mỗi năm có khoảng 2.000 giáo viên mầm non bỏ việc.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh