Có nên dạy con bằng đòn roi?
- Gia đình
- 06:52 - 03/10/2023
Dư luận xã hội vẫn còn nhớ vụ cha ruột đánh con gái 5 tuổi một cách dã man vì tội lười ăn. Sự việc xảy ra tại căn nhà trọ ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Ðức, TP. Hồ Chí Minh. Người cha tên Thành, sống cùng con gái ruột là cháu T.D và thường xuyên dùng gậy đánh vào tay, chân, lưng, đầu bé T.D. một cách dã man do cháu không chịu ăn cơm.
Hay vụ việc khác như cháu L., 13 tuổi ở thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên bị bố đẻ đánh bầm dập 2 mông, phải nhập viện cấp cứu. Về việc này, Trưởng công an thị trấn Hương Sơn cho biết, vì cháu L. mê chơi điện tử, bố đẻ cháu đã dùng roi để dạy con. Công an huyện đã mời ông Linh lên làm việc. Ông Linh đã nhận lỗi về hành vi của mình và cho biết, khi hay tin con bỏ đi chơi điện tử nhiều ngày không về, ông từ Bắc Ninh về Thái Nguyên đi tìm con. Khi tìm thấy con trai, không kiềm chế được tức giận nên ông đã đánh con” với mục đích là để để răn dạy con.
2 vụ việc kể trên là điển hình của những vụ dùng đòn roi để dạy dỗ con của một số bậc cha mẹ. Thật đáng tiếc là mục đích đánh con để dạy dỗ nhưng lại đánh con quá đà, trở thành những vụ bạo lực con dã man, hậu quả là con phải chịu đau đớn, thương tích và người “dậy dỗ con” lại vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em.
Có nên dùng roi vọt để dạy con?
Trong quá trình phát triển, trẻ em cần được chỉ dạy, bảo ban và cần thời gian học hỏi để trưởng thành. Mặc dù vậy, đâu đó vẫn còn những gia đình tin theo phong cách giáo dục gia trưởng, bảo thủ. Họ có quan niệm chưa đúng về bồi dưỡng nhân cách con người. Các bậc cha mẹ này thường sử dụng đòn roi là công cụ răn đe, trừng phạt, khuất phục, điều khiển trẻ. Quan niệm “thương cho roi cho vọt” và “con không nghe cha mẹ trăm đường con hư” là bệ đỡ cho tư tưởng này và nó đã gây ra các hành vi đánh đập trẻ với mục đích để giáo dục, khiến một số trường hợp trẻ bị tổn thương trầm trọng. Nỗi đau và sự tổn thương của các em vẫn tiếp diễn trong im lặng nếu không được kịp thời phát hiện, cứu giúp.
Thống kê từ Tổng Ðài quốc gia bảo vệ trẻ em (111), sau hơn 17 năm hoạt động đã tiếp nhận được trên 4,5 triệu cuộc gọi đến để nhờ giúp đỡ cho hơn 2.700 trẻ em bị bạo lực. Trung bình mỗi ngày nơi đây có thể thực hiện tư vấn đến 100 cuộc gọi có liên quan đến nạn bạo hành hay xâm phạm quyền trẻ em. Trong năm 2021 con số này tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid 19, trung bình 300 cuộc gọi/ngày của trẻ trong độ tuổi từ 11- 18.
Theo Bộ Công an, chỉ riêng trong năm 2020 đã có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện và xử lý. Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Ngô Anh Vinh - Phó trưởng Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay một số bậc cha mẹ vẫn cho rằng việc đánh con được xem như một “hình thức giáo dục của gia đình”. Chính việc nhận thức đó đã dẫn đến nhiều trường hợp cha mẹ quá lạm dụng “roi vọt” trong việc dạy dỗ, vô tình họ đã biến con mình trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Ðây là tình trạng đáng báo động mà chúng ta cần suy ngẫm và tìm ra giải pháp ngăn chặn. Những hành vi bạo lực gia đình sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thể chất và tinh thần của trẻ, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên. Vị thành niên là giai đoạn biến động lớn về tâm sinh lý nên trẻ cần được lắng nghe và chia sẻ nên những hành động bạo lực về thể chất và tinh thần đều có thể dẫn đến những tổn thương tâm lý lâu dài.
Nên chọn cách giáo dục con nhẹ nhàng mà hiệu quả
Trong giáo dục trẻ, các bậc phụ huynh có thể thiếu kiên nhẫn và chọn lối đi tắt là đánh mắng để ép con nghe lời. Một số bậc cha mẹ còn có sức khỏe tinh thần bất ổn, bị dồn nén cảm xúc hoặc sang chấn tâm lý nên dùng việc đánh con để giải tỏa căng thẳng của mình. Hành vi phạt con để giáo dục con hoàn toàn khác so việc tác động vật lý lên con để thỏa mãn bản thân. Cha mẹ nên chú ý đảm bảo sức khỏe thể chất, tinh thần và học cách quản lý cảm xúc cá nhân trên hành trình nuôi dạy con. Trong trường hợp cha/mẹ của trẻ có những hành vi đánh đập con thường xuyên thì người ông bà, họ hàng không nên im lặng, lảng tránh hoặc bỏ mặc trẻ. Với trẻ, nỗi đau vì bị bỏ mặc thường sẽ lớn hơn nỗi đau về thể xác.
Ðể giáo dục con hiệu quả, các bậc phụ huynh nên chọn các hình thức giáo dục nhẹ nhàng hơn là việc sử dụng bạo lực:
- Kiên trì lắng nghe khi con trẻ trình bày tình huống, không ngắt lời hoặc tự cho rằng mình là người lớn nên sẽ hiểu mọi vấn đề.
- Khi con có hành vi chưa đúng, cha mẹ hãy phân tích để giúp con nhận ra điểm chưa đúng này và gợi ý để con có ý thức hoàn thiện.
- Xây dựng những nội quy rõ ràng kèm theo hình thức chịu trách nhiệm cụ thể mà tất cả các thành viên trong gia đình đều tuân theo.
- Gia tăng hành vi khen ngợi, khuyến khích khi trẻ làm đúng. Các bậc cha mẹ cần luôn ghi nhớ kỷ luật tích cực không xây dựng dựa trên sự hà khắc hay trừng phạt.
- Luôn ghi nhớ việc đánh đập có thể khiến trẻ bị chai sạn về mặt cảm xúc và có xu hướng thách thức nhiều hơn. Trẻ cũng sẽ bắt chước hành vi bạo lực để giải quyết các vấn đề trong đời sống, nhận thức sai lệch này là mầm mống của bạo lực học đường và các hành vi phạm tội sau này.
- Ðánh con là vi phạm pháp luật (Luật Trẻ em). Hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ của hành vi. Các tổ chức đoàn thể tại khu dân cư cũng cần tích cực phát huy vai trò, kịp thời ghi nhận những hành vi bạo hành trẻ em để khuyên giải, can ngăn.
- Các thầy cô cũng nên quan tâm đến đời sống của học sinh để kịp thời lắng nghe chia sẻ từ các em và tư vấn cho các em hướng giải quyết phù hợp. Sự quan tâm kịp thời từ cộng đồng sẽ góp phần đáng kể vào việc bảo vệ trẻ em và phòng ngừa từ xa những trường hợp đáng tiếc.