THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:50

Chuyên gia Y tế: Lớp học ‘kích hoạt não’ là hoang tưởng, vô bổ

 

Trong thời gian vừa qua, báo điện tử VTC News cùng các cơ quan thông tấn, báo chí khác liên tục phản ánh về việc nhiều trung tâm rầm rộ quảng cáo các lớp học kích hoạt não để giúp trẻ em trở thành thiên tài, với những chi phí trên trời.

 

lop-hoc-kich-thich-ban-cau-1480000088941

Hình ảnh trong lớp "kích hoạt não".


Theo những lời quảng cáo của những nhân viên tại các lớp học “kích hoạt não”, trẻ nhỏ sẽ được bịt mắt để sờ những thẻ bài nhiều màu sắc, sau đó trẻ tự sắp xếp các thẻ bài đồng màu với nhau và theo số thứ tự từ 1- 9; bịt mắt và dùng tay rà qua các chữ để đọc; bịt mắt để nhận diện màu sắc…và cảm nhận, tưởng tượng trong đầu những thứ mà mình đang sờ trên tay để có thể đọc to lên.

Liên quan đến việc này, sáng 2/12, chia sẻ với báo chí, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã đến kiểm tra tại lớp học kích não.

Còn riêng đánh giá về mặt y học, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến khẳng định, những phương pháp để “kích não” phát triển, để em bé trở thành thiên tài như vậy là hoang tưởng, hoang đường, trên thực tế không có cơ sở khoa học gì để khẳng định hiệu quả kích thích trí não phát triển từ những phương pháp trên.

Dưới góc độ là bác sĩ chuyên ngành nhi, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cũng khẳng định, thực tế những phương pháp này là tốn thời gian, tốn tiền, không mang lại bất cứ tác dụng gì.

Các bà mẹ mong muốn con được học tốt nhất, thông minh nhất, đó là những mong muôn chính đáng. Nhưng để đạt được điều này, trẻ cần được học theo những phương pháp giáo dục đã được chứng minh

“Các mẹ không nên tin tưởng và tốn thời gian vào những phương pháp học vô bổ như thế. Chúng ta đang có đôi mắt, hãy để trẻ được nhìn thấy mọi vật, màu sắc, tiếp xúc với thiên nhiên thay vì bịt mắt lại và bắt trẻ phải tưởng tượng, trong khi trẻ hoàn toàn có thể nhận biết, đánh giá khi nhìn bằng mắt thường. Bịt đi đôi mắt để trẻ tưởng tượng, đâu mang lại trí thông minh.

Muốn trẻ thông minh phải được dạy dỗ, đào tạo theo phương pháp khoa học, chứ không phản khoa học và không thực tế, mất thời gian. Thời gian đó hãy để trẻ chạy nhảy, chơi đùa ở thiên nhiên để trẻ có một thể chất khỏe mạnh, tinh thần thoải mái nhất. Phải để trẻ tiếp xúc với tự nhiên, xã hội để trẻ có khả năng nhìn nhận phân tích, đánh giá cuộc sống?”- TS Dũng băn khoăn.

Theo TS Dũng, người ta đang có sự nhầm tưởng giữa mẹo vặt và trí thông minh. Trí thông minh là để phục vụ đời sống, giải quyết các vấn đề của đời sống. Còn mẹo vặt là để giải quyết sự tò mò. “Giả sử bịt mắt đoán đúng được màu đỏ, màu xanh thì cũng để làm gì cho cuộc sống?”- TS Dũng chia sẻ.

Dưới góc độ là bác sĩ chuyên ngành nội tiết, TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương khuyến cáo: Việc kém thông minh chỉ đơn giản là thiếu i-ốt trong chế độ ăn hàng ngày, trẻ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trí tuệ. Người ta đã nghiên cứu những trẻ thiếu i-ốt, chỉ số IQ thấp hơn những trẻ có chế độ ăn đủ i-ốt. Vì thế, cần nuôi dưỡng từ thời kỳ bào thai bằng chế độ ăn uống của người mẹ đủ các chất dinh dưỡng, đến những năm sau này để chăm sóc sự phát triển trí tuệ, thể chất lớn nhất của trẻ.

 

BS Giang trinh bay

Theo BS Phan Thiệu Xuân Giang, việc "kích hoạt não" có thể gây hại cho sự phát triển của trẻ, trước hết làm mất thời gian và tốn tiền bạc.


Theo BS Phan Thiệu Xuân Giang, giảng viên môn tâm lý học thần kinh, khoa Tâm lý Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, tác giả được giải Nobel Y học năm 1981 là BS Roger Wolcott Sperry. Công trình nghiên cứu của ông về “split brain” tức là bán cầu não trái và phải hoạt động độc lập khi cắt thể chai (corpus callosum) hay chức năng chuyên biệt của từng bán cầu não, chứ không liên quan gì đến midbrain activation (kích hoạt não giữa). Do đó, nơi nào quảng cáo lớp “kích hoạt não” dựa trên nghiên cứu đạt giải Nobel 1981 của ông Roger là không đúng.

BS Giang cũng cho biết, trong lịch sử giáo dục, các nguyên lý học tập được chứng minh là có cơ sở khoa học là các nguyên lý hành vi như khen thưởng, củng cố, gợi ý, bắt chước, học tập thông qua cảm xúc dựa trên các điều thích thú, quan tâm, các kỹ năng giải quyết vấn đề... và đều có thể quan sát, đo lường được về mặt hành vi.

Những phương pháp chưa có chứng cứ thì cần thận trọng và có nghiên cứu đối chứng. Áp dụng không phù hợp có thể gây hại cho sự phát triển của trẻ, trước hết làm mất thời gian và tốn tiền bạc.

 

Tại Hà Nội, sáng 2/12, trung tâm kích hoạt não có địa chỉ tại phố Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) đã đóng cửa. Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Đống Đa, nếu có trường hợp trung tâm thu tiền của phụ huynh học sinh nhưng đóng cửa hoạt động, Phòng sẽ báo cáo với lãnh đạo Quận để yêu cầu Trung tâm trả lại tiền hoặc có biện pháp xử lý phù hợp.

Trước đó, ngày 1/12, Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHồ Chí Minh cho biết, chiều 30/11, Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT đã làm việc bước đầu với Trung tâm Kích hoạt não giữa MBM Education thuộc công ty Cổ phần MidBrain Activation (269A Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận, TPHồ Chí Minh) về nội dung liên quan đến chương trình “kích hoạt não” dạy trẻ thành thiên tài. Đây là công ty “mẹ” của chi nhánh Trí tuệ Việt có địa chỉ tại phố Thái Hà, Hà Nội.

Sau cuộc làm việc, Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP Hồ Chí Minh đã đã làm báo cáo và kiến nghị đối với hoạt động của công ty này để lãnh đạo Bộ có ý kiến chỉ đạo. Cũng theo lãnh đạo Cơ quan đại diện của Bộ, dự kiến trong vài ngày tới Bộ GD&ĐT sẽ có công văn hướng dẫn các địa phương chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm có dạy kiểu “kích hoạt não”. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh