Cảnh cáo học sinh trước toàn trường giống “đấu tố”
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 13:30 - 01/11/2015
Chia sẻ với VnExpress, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh, kịch liệt phản đối hình thức cảnh cáo hay phê bình học sinh trước toàn trường bởi gây tâm lý căng thẳng, sốc cho trẻ. "Biện pháp này chẳng khác gì đấu tố ngày xưa, làm tổn thương lòng tự trọng của người khác", thầy Cương nói.
PGS Văn Như Cương phản đối hình thức phê bình, cảnh cáo học sinh trước toàn trường.
Theo thầy Cương, học sinh mắc lỗi phải có sự nhắc nhở, phê bình, cảnh cáo (tùy mức độ vi phạm) để giáo dục các em. Các em khác cần biết đến lỗi đã bị xử phạt để tránh mắc phải. Tuy nhiên, không nhất thiết phải nêu tên hoặc yêu cầu học sinh đứng trước toàn trường mà cảnh cáo trong tiết chào cờ. "Ở trường tôi không bao giờ áp dụng hình thức kỷ luật này. Thay vào đó, chúng tôi phát thông báo đến từng lớp để thầy cô thông báo lại cho các em. Như thế vẫn đạt hiệu quả phê hình học sinh hư và răn đe các em khác không mắc lỗi", thầy chia sẻ.
TS Lê Quốc Hạnh, nguyên Trưởng phòng Đào tạo Đại học Hà Nội với 35 năm kinh nghiệm làm trong ngành giáo dục, cũng lên án hình thức phê bình, cảnh cáo học sinh trước toàn trường. Quy định này đã lỗi thời, nhưng hiện nhiều trường áp dụng tùy tiện khi nêu danh học sinh vì những sai phạm nhỏ nhặt. "Ngay cả khi việc cảnh cáo trước toàn trường được áp dụng đúng quy định thì cũng không còn phù hợp nữa. Việc này thể hiện sự bất lực của nhà trường trong giáo dục học sinh, phải cậy đến biện pháp trừng phạt", ông Hạnh nói.
TS Lê Quốc Hạnh, nguyên Trưởng phòng Đào tạo Đại học Hà Nội.
TS Hạnh phân tích, khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" mà hầu hết trường treo có nghĩa "lễ" là điều phải học thì mới có được. Suy cho cùng, học trò chưa ngoan, chưa hành xử đúng lễ mới cần đến sự dạy dỗ của nhà trường. Trò chưa ngoan thì thầy cô cần kiên nhẫn tìm giải pháp để dạy bảo, uốn nắn, chứ trừng phạt thì dễ, nhưng là đầu hàng, rũ bỏ trách nhiệm. "Hình thức này nếu có hiệu quả, cũng chỉ là đánh đổi để có được sự phục tùng của học trò bằng cách "bêu riếu" con người trước cộng đồng. Đó là sự cưỡng bức chứ không phải dạy dỗ", ông Hạnh nói.
Chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng cho rằng phê bình, cảnh cáo trước toàn trường là sỉ nhục học sinh. Người ta dựa vào tâm lý sợ xấu hổ của trẻ để đưa ra phương pháp răn đe.
TS Vũ Thu Hương đề xuất sử dụng hình phạt nhẹ nhàng nhưng khiến học sinh nhớ lâu.
TS Hương kiến nghị sớm bỏ hình thức kỷ luật này, thay vào đó có phương pháp hợp lý hơn để răn dạy học sinh trước thực tế nhiều phụ huynh bênh con quá mức khiến trẻ khinh ghét, coi thường giáo viên. Với học sinh tiểu học, có thể phạt nhẹ nhàng và khiến trẻ nhớ lâu hơn như: không cho trẻ sử dụng cái gì đó mà chúng rất thích trong thời gian ngắn; trẻ bị phạt không được hưởng các quyền lợi như các bạn, ví dụ phải làm bài tập lúc các bạn tham gia trò chơi... Cô Hương đã áp dụng biện pháp này trong giáo dục con và thấy rất hiệu quả.
Một biện pháp xử phạt phổ biến ở các nước, theo cô Hương, các trường có thể áp dụng, là yêu cầu học sinh lao động, vệ sinh trường lớp. Các bạn khác nhìn thấy sẽ hiểu bạn này mắc lỗi, cá nhân phải lao động cũng thấy xấu hổ vì nhiều người biết về sai phạm của mình nhưng không ngượng ngùng bằng bị đứng phê bình trước cờ. Như thế, vừa có tác dụng giáo dục, răn đe mà học sinh vẫn có sự tiếp thu, chấp hành.
Kể trường hợp một nữ sinh lớp 12 có bầu và định nghỉ học, sau đó được hiệu trưởng động viên bằng nhiều hình thức, khiến các bạn khác thay vì định kiến đã giúp đỡ em này để có thể tốt nghiệp, sinh con trong niềm hạnh phúc, thầy Tạ Quang Sum, nguyên hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Cam Ranh, Khánh Hòa), nhấn mạnh dù học sinh mắc lỗi lớn thế nào, thầy cô cũng nên gặp riêng để giải thích, động viên em quay lại con đường tốt, thay vì đem ra trước toàn trường phê bình.
Nguyên hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo (Khánh Hòa) Tạ Quang Sum.
"Làm học sinh nhận ra cái sai của mình rồi thay đổi, trở nên ngoan hiền hơn mới quan trọng. Không chỉ học sinh mắc lỗi mà các em khác nhìn vào cũng thấy được sự bao dung của thầy cô, nhà trường và có cái nhìn, cách sống, học tập tích cực", nguyên hiệu trưởng Sum nói.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang lấy ý kiến về việc sửa đổi thông tư 08 năm 1988 hướng dẫn khen thưởng, kỷ luật học sinh. Sau gần 30 năm, thông tư này đã có nhiều bất cập, điển hình như hình thức cảnh cáo học sinh trước toàn trường được nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ vì phản giáo dục. Nhiều phụ huynh học sinh cũng phân tích, phương pháp này lợi ít, hại nhiều, cần sớm loại bỏ.
Theo thông tư 08, các hình thức kỷ luật học sinh gồm có: khiển trách trước lớp; khiển trách trước hội đồng kỷ luật của trường; cảnh cáo trước toàn trường; đuổi học một tuần lễ; đuổi học một năm. Trong đó hình thức cảnh cáo trước toàn trường được áp dụng với trường hợp: - Mắc khuyết điểm sai phạm đã bị khiển trách trước Hội đồng kỷ luật nhà trường mà không chịu sửa chữa, vẫn còn tái phạm - Đã nhiều lần trốn học, trốn lao động hoặc quay cóp gà bài cho bạn trong lúc kiểm tra - Mắc khuyết điểm sai phạm lớn, dù chỉ là một lần, song có tác hại nghiêm trọng như: ăn cắp hoặc cướp giật ở trong và ngoài trường; có lời nói và hành động vô lễ với thầy cô giáo; trêu chọc hoặc có hành vi thô bỉ với phụ nữ, với người nước ngoài; có những biểu hiện rõ ràng về gây rối trật tự an ninh; bị công an tạm giam giữ hoặc thông báo cho nhà trường biết; đánh nhau có tổ chức hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương. - Hình thức kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường sẽ do Hội đồng kỷ luật nhà trường đề nghị. Hiệu trưởng quyết định và thực hiện. Hình thức kỷ luật này sẽ ghi vào học bạ của học sinh và thông báo cho gia đình biết. |