Chuyển đổi số trong quản trị nhà trường hướng tới người học
- Đông Y
- 21:37 - 22/12/2021
Với bối cảnh bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệp 4.0, chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-Ttg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên nhắc đến thứ 2 sau y tế về nội dung chuyển đổi số. Nội dung chuyển đổi số trong giáo dục bao gồm: Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hoá tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hoá.
Với sự hỗ trợ của chương trình Shinhan Square Bridge, Quỹ VIGEF, Viện MSD, Công ty Tripath và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Khánh Hoà, Ninh Thuận đã và đang triển khai lắp đặt hệ thống quản trị nhà trường Schools.vn tới 100 trường miễn phí, mang lại lợi ích cho hơn 80.000 học sinh, đặc biệt là các trường tại các khu vực nông thôn, miền núi có hoàn cảnh khó khăn. Đây là bước đầu để nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị trường học một cách hiệu quả.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai ghi nhận: “Đối với Lào Cai, chúng tôi đã lựa chọn và hoàn thành việc lắp đặt hệ thống cho 20 trường tại địa bàn tỉnh và ghi nhận được rất nhiều những phản hồi tích cực từ nhà trường, phụ huynh và học sinh. Nhà trường được Dự án tổ chức đào tạo, lắp đặt và bàn giao toàn bộ hệ thống phần cứng và phần mềm. Ứng dụng giúp các trường tích hợp các hệ thống số về điểm danh, sổ liên lạc điện tử kết nối nhà trường và gia đình, theo dõi bảng điểm, điểm số, các tính năng báo cáo thống kê… tích hợp với hệ thống máy tính, điện thoại của nhà trường, thầy cô. Chúng tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ này khiến việc quản trị trường học được hiện đại và hiệu quả hơn. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục được sự hỗ trợ đồng hành mô hình và nhân rộng tại Lào Cai trong thời gian sắp tới”.
Phản hồi về việc sử dụng ứng dụng Quản trị nhà trường School.vn, 90% giáo viên đều có phản hồi tích cực trong việc sử dụng hệ thống như: hệ thống thân thiện, dễ sử dụng đối với học sinh và cán bộ, giáo viên nhà trường, dễ dàng trong việc điểm danh, quản lý học sinh thông qua ứng dụng cài trên điện thoại, giúp phụ huynh học sinh an tâm khi gửi con tới trường, nắm được tình hình của con nhanh chóng,...
Thảo luận và chia sẻ các vấn đề về chuyển đổi số trong quản trị nhà trường hướng tới phát triển năng lực học sinh, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ đổi mới giáo dục phổ thông nhấn mạnh: “Qua quá trình làm việc với các trường, chúng tôi rất vui khi thấy lãnh đạo nhà trường và giáo viên đều nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học cũng như quản trị nhà trường, cũng như sẵn lòng tham gia, học hỏi và tiếp thu những công cụ mới phục vụ cho công tác. Thay đổi nhận thức của mỗi người trong ngành là yếu tố tiên quyết để chuyển đổi số có hiệu quả trong giáo dục.”
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD – United Way Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta ứng dụng chuyển đổi số để quản trị nhà trường hiệu quả hơn hướng tới việc phát triển năng lực, tối đa hoá cơ hội phát huy các tiềm năng của học sinh. Chúng ta sử dụng công nghệ và tiện ích trong nhà trường để tiết kiệm thời gian và thuận tiện hơn trong việc quản lý, thống kê, báo cáo... Việc chú trọng vào việc thúc đẩy sự tham gia, làm chủ công nghệ, quản trị nhà trường của học sinh vô cùng quan trọng. MSD – United Way Việt Nam và chương trình Shinhan Square Bridge rất vui mừng khi được đồng hành cùng các bên để mang tới sự hỗ trợ về công nghệ cho các em học sinh, góp phần vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả cho thế hệ tương lai của đất nước.”
Tại Hội thảo, các tham luận xoay quanh chủ đề về kinh nghiệm trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị nhà trường và hướng tới phát triển năng lực. Đại diện các trường trong tỉnh như Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Trường Tiểu học Sa Pa, Trường THCS thị trấn Bát Xát đều đưa ra đề xuất mong muốn được nâng cao kiến thức và năng lực thông qua các lớp tập huấn kĩ năng, hỗ trợ một số thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông và dạy học, chuyển giao công nghệ cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin của trường…
Ông Nguyễn Thế Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số, mới sử dụng, áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động trong nhà trường. Quan trọng là chúng ta cần có tư tưởng, chiến lược trong chuyển đổi số - kết quả cuối cùng là để cải thiện quản trị nhà trường hiệu quả, phát triển năng lực học sinh. Chúng ta không đợi có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật mới chuyển đổi số mà chuyển đổi trong chính tư duy và công việc mình đang làm.”