Chuyện cổ tích giữa đời thường
- Bệnh mất ngủ
- 21:14 - 28/01/2021
Đón chúng tôi là Giám đốc doanh nghiệp - Chị Thu Hằng, một người phụ nữ xinh đẹp, gương mặt phúc hậu, cương nghị, nụ cười thân thiện, ánh mắt sáng lấp lánh cho tôi ấn tượng đây là một phụ nữ thông minh, quyết đoán và đầy cá tính. Sau màn chào hỏi giới thiệu làm quen, chúng tôi có đề nghị chị giới thiệu về doanh nghiệp và về công việc của Dự án và cho chúng tôi được thăm quan rừng. Ánh mắt xa xăm tư lự nhớ về quá khứ chị bồi hồi kể lại :
Doanh nghiệp trồng rừng Mỹ Hằng được thành lập từ năm 2005 trong một điều kiện vô cùng khó khăn và khắc nghiệt. Thời điểm bấy giờ núi Năm Nọc là một khu vực đất trống, đồi trọc với hàng trăm lò đốt than nghi ngút, nạn phá rừng bừa bãi của dân làm rẫy làm cho rừng vốn đã nghèo kiệt lại tan hoang xác xơ nham nhở. Đường giao thông không có nên việc đi lại vô cùng khó khăn phức tạp. Nhiều đêm mất ngủ, chị trăn trở phải làm sao phủ xanh đất trống, đồi trọc, tạo nên màu xanh cho rừng. Bắt tay vào công việc với muôn vàn khó khăn vợ chồng chị vừa phải tìm lối để mở đường giao thông, vừa phải tìm thuê nhân công cho công việc trồng rừng ,vừa phải chăm sóc và bảo vệ các vạt rừng non đang phục hồi... Doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí nhiều tỷ đồng cho công việc. Năm 2005 trồng xong 30 ha Keo lá tràm, năm 2006 trồng thêm 200 ha Keo nữa và 100 ha keo trồng xen rừng tái sinh. Từ năm 2009 đến nay công việc tái sinh rừng tự nhiên luôn luôn được quan tâm thực hiện và bước đầu đã có kết quả tốt: Rừng non đang được phát triển, các loại cây như Ké, da, Gáo, Phượng hồng, cây nhội…có những cây đường kính từ 30cm đến 100 cm. Các loài cây gỗ quý đang phục hồi như: Lim Xanh, Bằng lăng, Gố Hương, Cẩm lai, Lim Seec, gỗ Mun, gỗ Sao, Sơn Huyết đang mọc rải rác trong vùng dự án. Các loại cây Dược liệu như Quế, Ngũ gia bì, Cây bìm bịp, Hà thủ ô…cũng đang được bảo tồn.
15 năm đã trôi qua với bao khó khăn vất vả với kinh phí đã chi rất nhiều tiền và kết quả 25 km đường Lâm sinh gồm đường trục từ Khu CN Trảng É đến đỉnh núi Năm Nọc và các đường nhánh đến các khu của dự án. 226 ha rừng trồng keo đang chuẩn bị thu hoạch đợt hai. 3.000 cây Đàn hương Ấn Độ cũng đã được trồng đợt đầu và đang phát triển tốt. Hàng trăm ha rừng tự nhiên đang được gìn giữ chăm sóc, bảo vệ, cây rừng đã cao từ 5 đến 10 mét. Màu xanh đã trở lại trên rừng nghèo kiệt đất trống đồi trọc làm cho chị thấy vui.
Xe rời khu trung tâm đưa chúng tôi đi thăm vùng dự án. Trên con đường đến khu rừng trồng, chợt một đàn năm bảy con gà rừng băng qua đường. Chị bảo: Ở đây thường có gà rừng, cứ mỗi lần xe chị ngang qua là chúng lại xuất hiện, nhiều khi chị dừng lại thảy xuống chút bắp hạt hay thức ăn gì đó nên dường chúng chúng đã quen với chị.
Khu rừng trồng 226 ha toàn Keo lá tràm, thân thẳng, gốc keo đường kính đã chừng 15-20 cm cũng đã đến kỳ thu hoạch lần 2. Chị dự định sau thu hoạch sẽ thay đổi cơ cấu trồng rừng bằng cây Đàn hương Ấn Độ là loại cây gỗ quý có giá trị kinh tế cao và một số loài Dược liệu quý khác sẽ được trồng xen với nó .
Rẽ phải, theo hướng Đông Bắc là khu rừng tự nhiên đang phục hồi, cuối mùa mưa nên toàn cảnh rừng một màu xanh ngăn ngắt, thi thoảng lại điểm xuyết một vài cây đỏ ngọn hay cây gì đó toàn hoa trắng muốt. Dọc đường các bảng cảnh báo cấm phá rừng, cấm lửa được gắn trên những cây to. Nhìn những cây Ké, cây Da sộp sum suê, những cây khác được tỉa cành, gỡ sạch dây leo quanh nó, tạo nên không gian thoáng đãng cho cây, mới thấy được cây rừng ở đây đã được chăm sóc giữ gìn như thế nào và đã có biết bao công sức tiền bạc đã đổ vào đây . Đứng dưới tán rừng nhìn Các loai Lan rừng bám quanh những cây cổ thụ và nhiều kỳ hoa dị thảo khác cho ta cảm giác thư thái hòa mình với thiên nhiên. Đi thêm đoạn nữa chúng tôi bắt gặp đàn Khỉ trên cây. Thấy chúng tôi chúng nó la chí chóe rồi nhảy lên cành cao chuyền từ cành nọ sang cành kia, có con còn cõng trên lưng chú Khỉ con ngộ nghĩnh, mấy chị trong đoàn còn đang tỏ ra thích thú thì chúng đã biến mất trong tán cây rừng. Tôi hỏi chị ở đây có nhiều thú rừng không? Chị cho biết ở đây còn có nhiều loại thú như: Heo rừng, khỉ, Sóc, Mang, Mễn ..nhưng những kẻ săn bắt trộm đã làm cho các loài dần dần suy giảm, tổ bảo vệ rừng mỗi lần đi tuần tra đã thu giữ hàng trăm bẫy thú rừng các loại .
Ngang qua các triền đồi thấp, tương đối bằng phẳng, chân đồi một hồ nước mới làm xong rộng chừng 300 m2 dưới lòng hồ bông súng đã vươn lên khoe sắc đỏ, bờ hồ đã được trồng vô số các loài hoa. Chị Hằng nói với chúng tôi rằng chị dự định sẽ xây dựng khu đồi thành những khu nhà dưỡng lão chăm sóc người già .
Xe quay đầu xuống hướng Đông Nam, vượt một triền đồi nhỏ chị cho chúng tôi xem khu trồng 3.000 cây Đàn hương Ấn Độ, mời trồng hơn 2 tháng nay cây đã bén rễ, xanh lá và phát triển. Lên tới đỉnh Năm nọc, cả đoàn xuống xe rồi lên một quả đồi nhỏ. Trước mắt chúng tôi một khoảng không gian bao la rộng mở, gió lồng lộng mang theo cái mặn mòi của biển cả, tôi hít một hơi dài căng lồng ngực và cảm thấy khoan khoái vô cùng. Phóng tầm mắt về Phía đông qua khu du lịch Sông Lô là Vịnh Nha Trang như một viên ngọc lung linh. Phía Nam biển xanh uốn lượn bên bờ cát trắng ôm trọn thành phố trẻ Cam Ranh xinh đẹp, phía tây là hồ Suối dầu, khu công nghiệp và nhà cửa dân cư san sát đang phát triển. Mấy chị trong đoàn thi nhau mở điện thoại chọn góc máy chụp những bức hình đẹp làm kỷ niệm cho chuyến đi. Một anh trong đoàn đã đứng tuổi ngồi xếp bằng trên phiến đá rộng, hướng về phương Nam, mắt nhắm nghiền như đang tọa thiền, lúc sau anh Bảo: Tớ thấy nơi này mà được ngồi thiền thì thật tuyệt, mới ngồi tĩnh lặng một chút mà cảm thấy lòng cứ nhẹ tênh… . chị cười bảo anh tinh tế đấy tôi đã có kế hoach xây khu tâm linh tại đây. Bất giác tôi hỏi chị sao chị không biến nơi này thành một khu Du lịch ? như bắt trúng tâm tư của chị, chị bảo đó là mong ước của chị, tuổi cũng đã lớn rồi, chị muốn làm được một cái gì đó có ý nghĩa cho đời. Chị muốn nơi này sẽ thành một Khu du lịch sinh thái độc đáo, khu du lịch 4.0 xanh, sạch hiện đại ngang tầm Bà Nà Hill Đà Nẵng. Chủ trương đầu tư thì UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và đầu tư đã cho phép, 174 ha rừng trồng xong, 16 ha kinh tế trang trại với hàng chục ngàn cây ăn trái cao sản đã cho thu hoạch, chỉ riêng 47 ha tỉnh cho làm du lịch, đã hoàn thành thiết kế 1/500 nhưng Sở Xây dựng không cấp phép nên không thể triển khai được vì tỉnh chưa có quy hoạch 1/2000. Chị chỉ mong Tỉnh sớm có quy hoạch 1/2000 để chị hoàn thành ước nguyện, nói đến đây mắt chị thoáng buồn đầy ưu tư .
Nghe chị Hằng kể, và được tham quan những khu rừng dự án của chị trên núi Năm Nọc, mọi người vô cùng khâm phục một nữ Giám đốc doanh nghiệp đầy bản lĩnh, và tâm huyết với rừng. Bao khó khăn vất vả bao nhiêu tiền bạc đã đầu tư, thậm chí có cả máu và nước mắt đổ trên những cánh rừng nhưng vẫn không làm sờn lòng người nữ Giám đốc .
Tôi hỏi chị vì cái gì mà chị gắn bó và quyết tâm với rừng như vậy? Nụ cười tươi cùng ánh mắt sáng lên niềm tin chị vui vẻ cho biết: Quê hương chị gắn liền với một vùng núi rừng xứ Nghệ, Thuở ấu thơ chị thường theo cha vào rừng hái nấm hái thuốc, có những lúc ham chơi trong rừng mà quên cả về nhà, tình yêu cây yêu rừng cũng bắt nguồn từ đấy và nó đã ăn sâu trong máu thịt của chị đến bây giờ. Chị nhắc lại hoài bão muốn làm một điều gì đó có ích để lại cho đời trên vùng núi Năm Nọc này.
Rồi cũng đến lúc phải chia tay, cả khách lẫn chủ đều bin rịn. Xe đưa chúng tôi xuống núi, nắng chiều đã tắt, trên con đường gập ghềnh uốn lượn, mây trắng buông la đà giăng giăng trên sườn núi chập trùng như muốn níu chân người ở lại. Xuống đến Trảng É, xa xa phố thị đã nhấp nháy ánh đèn, một cuộc hành trình đến với núi rừng Năm Nọc đọng lại trong tôi và các thành viên trong đoàn nhiều cảm xúc, nhưng ấn tượng nhất vẫn là Giám đốc doanh nghiệp Nguyễn Thị Thu Hằng, một nữ doanh nhân năng động, dũng cảm vượt mọi khó khăn để sống với rừng, yêu rừng bằng một tình yêu đến kì lạ, đánh thức tiềm năng của rừng bằng các dự án trồng rừng, bảo vệ chăm sóc rừng và hoài bão về một khu du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia, quốc tế của chị. Tôi cầu mong và chúc cho chị sớm thực hiện được ước mơ hoài bão mà bao lâu nay chị ấp ủ.