THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:54

“Cho con được bước vào giảng đường đại học” !

 

 Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm (ngoài cùng, bên trái) trao phần thưởng cho em Nguyễn Thị Quỳnh Hương tại Hội nghị biểu dương Người khuyết tật, trẻ mồ côi và Người bảo trợ tiêu biểu năm 2016.

 

Đó là những lời nghẹn lại của Nguyễn Thị Quỳnh Hương sinh năm 1998, học sinh lớp 12G Trường THPT chuyên Quang Trung, ở đội 9, ấp Cầu 2, xã Đồng Tiến, (huyện Đồng Phú, Bình Phước) tại Hội nghị biểu dương Người khuyết tật, trẻ mồ côi và Người bảo trợ tiêu biểu vừa qua, tại Hà Nội.

 Nỗi buồn tuổi thơ

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Hương là một cô học trò có dáng người mảnh mai, nhưng đầy nghị lực, sự tự tin và thông minh với giọng nói nhẹ nhàng, dễ thương. Dù nụ cười luôn thường trực trên môi, nhưng vẫn không giấu nổi nét buồn trên gương mặt trái xoan của em.

Hương cho biết: Năm lên 4 tuổi, trong một vụ tai nạn giao thông, ba của em đã vĩnh viễn ra đi. Một năm sau mẹ cũng qua đời vì căn bệnh ung thư gan, để lại Hương và đứa em gái 2 tuổi cho ông bà nội chăm sóc. Trong nhà không còn lao động chính, ruộng đất cũng không có, gia đình Hương lại thuộc diện hộ nghèo của xã. Bà con thân thích cũng không có, trong khi ông bà nội tuổi đã cao. Cả gia đình 4 người chỉ còn biết nương tựa vào nhau để sống.

Giọng trầm lại, Hương kể: “Tuổi thơ của hai chị em Hương là những hình ảnh về ông bà nội sớm hôm vất vả, mọi việc đều đổ dồn lên đôi vai gầy guộc của ông bà. Ở tuổi 72 cùng với những căn bệnh của người già nên việc nặng nhọc ông nội không đủ sức khỏe để làm được mà nếu đi làm thuê thì cũng không ai mướn. Còn bà nội (66 tuổi), thường xuyên phải chịu những cơn đau mỗi khi trái gió trở trời, nhưng vì là trụ cột trong gia đình nên bà làm đủ các công việc, từ cuốc đất, hái đậu, trồng lúa, trồng rau… hễ có người kêu là bà đều nhận hết, bất kể là việc nặng hay nhẹ”.

Cuộc sống của gia đình Hương còn gắn với em suối nhỏ sau nhà. Mùa khô thì đi tát, mùa mưa đi câu, số cá câu được không dám ăn mà đem ra chợ bán lấy tiền để trang trải các việc khác. Vì thế bữa cơm cũng chẳng có gì, bữa đói, bữa no, chủ yếu là đĩa rau luộc, hoặc trái bầu, trái bí…

Hương tâm sự: “Đến tận bây giờ nhưng ký ức về tuổi thơ của em như vừa mới hôm qua. Ngày ấy khi đến tuổi đi học, ông bà nội rất lo lắng vì nhà nghèo, tiền ăn không có nói gì đến tiền học. Tuy còn nhỏ, nhưng chứng kiến cảnh ông bà ngày đêm mất ăn, mất ngủ tìm mọi cách cho cháu được đến trường cùng bạn bè trang lứa để không bị thất học, em thương ông bà lắm”.

 “Trong lúc ông bà loay hoay nghĩ cách làm gì để có tiền đóng học cho em thì được nhà trường thông báo em được miễn các khoản học phí, nếu không việc học của em sẽ phải dừng lại rồi. Nhưng ngoài học phí, còn biết bao các khoản đóng góp khác như, tiền mua sách vở, dụng cụ học tập, gửi xe… Để có tiền chi cho những khoản đó, bà nội đã phải chạy vạy khắp nơi để lo cho hai chị em ăn học. Vì ngoài khoản trợ cấp trẻ mồ côi hàng tháng của Phòng LĐ-TB&XH huyện Đồng Phú cộng với đồng lương hưu ít ỏi của ông bà nội thì không còn khoản thu nhập nào khác. Bà nội đã phải vay mượn tiền của mọi người, lần đầu người ta còn cho mượn, những lần sau đều bị từ chối vì theo họ, ông bà lấy đâu ra tiền mà trả”, Hương kể.

Mọi ký ức như ùa về, Hương đưa tay dụi mắt rồi kể: “Khi em đi học rồi nhưng thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, hàng ngày chứng kiến cảnh ông bà nội còng lưng kiếm tiền nuôi cháu ăn học, trong em luôn có ý nghĩ sẽ nghỉ học để đi làm phụ giúp ông bà. Mỗi lần như thế, ông bà nội lại khuyên ngăn “Cháu còn nhỏ, đang tuổi ăn, tuổi học, cứ chăm ngoan, học giỏi là ông bà vui rồi, mọi thứ cứ để ông bà lo”, những lúc như vậy em ứ nước mắt, càng thương ông bà nhiều hơn và cũng tự hứa với mình làm sao phải học thật giỏi để đền đáp lại công ơn ông bà. Từ đó, em càng nhận thức rõ hơn về hoàn cảnh của mình nên không bao giờ dám đòi ông bà mua quần áo đẹp, sách mới. Dịp nghỉ hè, trong lúc bạn bè cùng trang lứa được ba mẹ cho đi du lịch, còn em đi chẻ điều thuê để kiếm thêm thu nhập. Tuy số tiền kiếm được không đáng là bao, chỉ 15 đến 20.000 đồng/ngày, nhưng với số tiền đó, em lại mua được những bộ sách cũ để học. Hàng ngày thấy bạn bè được ba mẹ quan tâm, chăm sóc và đưa đón đến trường trong khi em phải vượt gần 30 km trên chiếc xe đạp cũ của một nhà hảo tâm mang tặng, có những hôm nhịn ăn sáng, tới trường đôi chân mỏi rã rời, khi ấy em thấy rất tủi thân, trong lòng nỗi nhớ ba mẹ lại dâng trào!”

 

Nguyễn Thị Quỳnh Hương tại Hội nghị biểu dương Người khuyết tật, trẻ mồ côi và Người bảo trợ tiêu biểu năm 2016. 

 

 Cần lắm sự yêu thương

Khi tôi hỏi về những khó khăn trong học tập, Hương cho biết: Em gặp không ít khó khăn khi mà bạn bè ai nấy cũng được đi học thêm, kiến thức vững hơn rất nhiều. Còn em thì không dám, vì em biết nếu em đi học, ông bà sẽ phải cực khổ gấp đôi, gấp ba. Vì vậy, ở lớp có gì không hiểu là em lại hỏi ngay thầy cô hoặc nhờ bạn bè giảng hộ, về nhà em thường xuyên làm bài tập để nâng cao kỹ năng và củng cố lại kiến thức. Bằng những nỗ lực của mình, nhiều năm liền em đều là học sinh giỏi và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì “Đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc nỗ lực vượt khó, vươn lên trong học tập trong hai năm học 2013 – 2014”. Cũng trong niên khóa này, em đã thi đậu được vào trường THPT chuyên Quang Trung trong kỳ tuyển sinh lớp 10 – một ngôi trường mà hằng năm có 98% tỷ lệ đậu vào đại học, cũng là trường luôn có nhiều học sinh đỗ thủ khoa, á khoa và học sinh giỏi quốc gia.

 “Qua 3 năm học ở ngôi trường THPT, nhờ sự tân tình, chỉ bảo chu đáo của các thầy cô mà em đã học thêm được rất nhiều điều, từ văn hóa ứng xử cho đến kiến thức phổ thông và các kỹ năng sống… Việc tham gia các câu lạc bộ cùng các hoạt động do đoàn trường tổ chức cũng đã giúp em trưởng thành hơn”, Hương cho biết.

Im lặng dây lát, nét mặt rạng rỡ hơn, Hương tâm sự: “Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp THPT của tỉnh năm học 2014 – 2015, em đã đạt giải Nhì môn Giáo dục công dân 12, đó là niềm khích lệ, động lực cho em tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành một luật sư hay cố vấn pháp luật. Bởi, em biết xã hội còn biết bao người đồng cảnh ngộ với mình, cũng phải chịu bao mất mát, đau thương. Em muốn giúp họ và cũng là giúp mình, bằng chính sự đam mê và hoài bão… Thế nên, hơn lúc nào hết, em đang cần lắm sự yêu thương của mọi người, sự giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể để em được tiến bước đến giảng đường đại học, để ước mơ của em thành hiện thực, được góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho xã hội. Đặc biệt, em có cơ hội được phụng dưỡng ông bà nội – người đã kiêm nhiệm hai vai: ông bà và ba mẹ để nuôi dưỡng, chăm sóc hai chị em, cho em hơi ấm của gia đình, của tình thân ruột thịt…”.

 

Nguyễn Thị Quỳnh Hương (bên phải).


 Một buổi chiều tháng Bẩy, sau khi đã biết điểm của kỳ thi THPT quốc gia 2016, Hương gọi điện thoại cho tôi với tâm trạng rất phấn khởi, em khoe: “Kỳ thi vừa rồi em được 22,9 điểm chị ạ. Dù tận mắt nhìn thấy điểm thi nhưng em vẫn không thể nghĩ mình lại đậu đại học, một lúc sau bình tĩnh lại em mới tin đó là sự thật. Cảm giác trong em khi ấy thật khó tả, niềm vui và nỗi buồn đan xen, rồi hình ảnh ông bà nội sớm hôm vất vả lo toan cho em ăn học cứ hiện ra trước mắt. Có lẽ chưa bao giờ em thấy thương ông bà nhiều như lúc này…”.

 Hương cho biết: Lần đăng ký xét tuyển đợt 1 này em sẽ đăng ký vào hai trường: ĐH Kinh tế luật TP. Hồ Chí Minh và ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Ngập ngừng giây lát, Hương kể: “Khi biết em đậu vào đại học, ông bà nội và em vui lắm chị à. Vậy là em đã không phụ lòng ông bà, ước mơ bước chân vào giảng đường đại học của em tới rất gần rồi. Nhưng, ông bà nội của em tuổi đã cao, liệu còn đủ sức để lo cho em mấy năm học đại học…”.

Một số hình ảnh của Nguyễn Thị Quỳnh Hương:

 

 

CÙ HÒA / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
2 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh