THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:10

Chính thức có lịch thi THPT quốc gia 2017 và 8 nhiệm vụ cho ngành Giáo dục

Chủ tịch nước đề nghị 8 nhiệm vụ cho ngành GD&ĐT

Phát biểu trong buổi thăm và chúc tết cán bộ, công chức, viên chức Bộ GD&ĐT vào chiều 4/2, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đây là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta”.

Chủ tịch nước thăm phòng truyền thống giáo dục Việt Nam.

Chủ tịch nước đồng tình với 09 nhiệm vụ chủ yếu, 05 giải pháp cơ bản mà ngành Giáo dục đã đề ra. Đồng thời, Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Ngành Giáo dục cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những “công dân toàn cầu” trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ; Chú trọng đổi mới cách tiếp cận giáo dục, phát triển năng lực sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp của người học; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo...

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát động trồng cây đầu năm mới

Trong lễ phát động Tết trồng cây năm Đinh Dậu 2017 toàn ngành giáo dục chiều 4/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ kêu gọi: "Mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi học sinh, sinh viên trong cả nước hãy lựa chọn, trồng và chăm sóc ít nhất một cây xanh phù hợp với điều kiện của từng cá nhân, gia đình, địa phương".

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng học sinh trồng cây tại lễ phát động. 

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, nhiều Sở GD&ĐT địa phương cũng đã phát động lễ trồng cây đầu năm. Trong sáng 3/2, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã phát động Tết trồng cây xuân Đinh Dậu năm 2017.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi trường học, cơ sở giáo dục sẽ trồng thêm ít nhất 5 cây xanh trong năm mới, ở ngoại thành trồng ít nhất 10 cây xanh. Như vậy, ngành GD&ĐT thành phố với hơn 2.600 đơn vị trường học sẽ trồng hơn 10.000 cây xanh mới.

Chính thức công bố Quy chế Thi THPT quốc gia 2017

Ngày 31/1, Bộ GD&ĐT chính thức công bố Quy chế Thi THPT quốc gia 2017. Cụ thể, kỳ thi tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học (KHTN), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT (KHXH)...

So với mọi năm, năm nay Bộ GD&ĐT công bố Quy chế sớm hơn 1 tháng để giúp thí sinh, phụ huynh, giáo viên và các trường THPT có định hướng trong học tập và ôn luyện.

Thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cũng được đẩy lên sớm hơn so với những năm trước (từ ngày 22 - 24/6).

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã từng thông báo sẽ không công bố đề thi và đáp án để tránh lãng phí do quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi bởi năm nay mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một đề thi trắc nghiệm riêng biệt đã được chuẩn hóa. Mỗi phòng thi có 24 thí sinh thì có 24 đề thi khác nhau.

Tuy nhiên, ngày 2/2, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ công bố đề thi và đáp án tất cả các môn thi Ngoài ra, Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục duy trì điểm sàn đại học, không bỏ điểm sàn như dự thảo ban đầu.

8 đại học Việt Nam vào top 100 Đông Nam Á

Theo bảng xếp hạng Webometrics tháng 1/2017 (đánh giá trang web các trường đại học) vừa được công bố, Việt Nam có 8 trường đại học vào top 100 khu vực Đông Nam Á.

So với kỳ xếp hạng tháng 7/2016, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Cần Thơ, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Mỏ Địa chất bị tụt hạng ở khu vực và thế giới, trong khi ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM tăng hạng.

Bảng xếp hạng Webometrics được thực hiện bởi một đơn vị nghiên cứu cấp quốc gia của Tây Ban Nha từ năm 2004. Mỗi năm 2 lần (tháng 1 và tháng 7), Webometrics đưa ra kết quả xếp hạng cho các trường đại học trên thế giới dựa trên 4 chỉ số đánh giá các thông số của trang web của các cơ sở giáo dục. 4 chỉ số gồm:

1. Mức độ xuất hiện (Presence): Số lượng các website con tương ứng với website chủ của một trường.

2. Mức độ ảnh hưởng (Impact): Số lượng backlink từ các website khác trở về website của trường đang xem xét.

3. Mức độ mở (Openess): số lượng trích dẫn các công trình khoa học trên nguồn dữ liệu Google Scholar.

4. Sự xuất sắc (Excellence): số lượng các bài báo công bố trong hệ thống tạp chí Scopus do Scimago thống kê.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh