THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:56

Tháo khoán' vào đại học?

Sĩ tử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015. Ảnh: Việt Hương.

Tăng đột biến

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2014-2015, tổng quy mô đào tạo ĐH cả nước trên 1,8 triệu sinh viên. Trong đó, ĐH chính quy trên 1,3 triệu sinh viên. So năm học 2010-2011, quy mô sinh viên ĐH tăng thêm khoảng 400.000. Tuy nhiên nếu “soi” một số trường cụ thể thì con số tăng đáng kinh ngạc. Sau 4 năm học, ĐH Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Nam Định tăng từ trên 8,9 nghìn sinh viên lên gần 15 nghìn sinh viên. 

Tăng nhanh nhất phải kể đến ĐH Kinh doanhCông nghệ Hà Nội. Năm học 2010-2011, quy mô đào tạo của trường là 14.982 sinh viên, nhưng đến năm học 2014-2015, quy mô của trường lên đến 34.282. Trong đó, sinh viên hệ chính quy là 30.487, đặc biệt có thời kỳ chỉ trong vòng một năm từ năm học 2013-2014 đến năm học 2014-2015, trường này tăng từ 19,7 nghìn lên 34,2 nghìn sinh viên.

Cũng trong thời gian trên, quy mô ở một số trường công lập lớn lại giảm. ĐH Quốc gia Hà Nội gồm 6 trường ĐH và 3 khoa thành viên quy mô từ 38.684 xuống còn 30.826 sinh viên. ĐH Ngoại thương từ 22.622 sinh viên giảm xuống còn 16.203 sinh viên. ĐH Bách khoa Hà Nội sau 4 năm, tổng quy mô cũng chỉ tăng thêm hơn 800 sinh viên. Mặt khác, năm học 2016-2017 tới, ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ tuyển 5.820 chỉ tiêu mới, trong khi ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng tuyển tới 5,000 chỉ tiêu!

Cử nhân dạy cử nhân

Để “phanh” các trường tăng chỉ tiêu phi mã, Bộ GD&ĐT đã ban hành một loạt văn bản chỉ đạo. Trong đó, đáng chú ý nhất là Thông tư 32 được Bộ ban hành năm 2015 về xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó có hai tiêu chí mới quan trọng là giảng viên quy đổi theo từng khối ngành và quy mô không vượt quá 15.000 sinh viên. Do đó, các trường quy mô lớn hơn 15.000 sinh viên sẽ phải giảm từ từ chỉ tiêu. Mục đích của Bộ GD&ĐT là để đảm bảo chất lượng đào tạo, tránh tình trạng chạy theo số lượng.

Trường có quy mô đào tạo tăng đột biến đó là ĐH Kinh doanh và Công nghệ với trên 34 nghìn sinh viên. Theo bản báo cáo công khai của trường thì hiện trường có 1,217 giảng viên. Tuy nhiên, trong số này, có 174 tiến sĩ, 31 giáo sư, 54 phó giáo sư, 653 thạc sĩ và trình độ ĐH chiếm tới 348 giảng viên! 

Có một số giảng viên của trường năm nay đã 77 tuổi trình độ ĐH và giảng dạy khối kiến thức đại cương hoặc dạy khối kiến thức chuyên nghiệp. Trong khi đó, khoản 3, Điều 54, Luật Giáo dục ĐH năm 2012 quy định “Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ ĐH là thạc sĩ trở lên.

Viện ĐH Mở Hà Nội có quy mô đào tạo 36.224 sinh viên, trong đó có tới gần 1 vạn sinh viên chính quy. Nhưng suốt từ khi thành lập đến nay đã 23 năm, sinh viên của trường này vẫn chạy khắp thành phố để học. Ngoài trụ sở chính vỏn vẹn rộng gần 2,000m2 là nơi hoạt động của bộ máy hành chính, nhà hiệu bộ, còn lại các cơ sở đào tạo sinh viên đều phải thuê. 

Sinh viên chỉ về trường khi nộp học phí hoặc có việc hành chính. Khoa Công nghệ thông tin của trường hiện đang thuê tại một tòa nhà sau Trung tâm thương mại Intimex trên đường Định Công. Khoa Tài chính Kế toán và Kiến trúc đang thuê tại tòa nhà An Huy, khu công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội. 

Trong khi đó, rất nhiều trường, tỷ lệ sinh viên ngoài chính quy còn cao hơn sinh viên chính quy vì lợi ích thu nhập cho cán bộ giảng viên và là một phần thu nhập cho hoạt động giáo dục còn quá thiếu thốn. Điển hình như Học viện Hành chính Quốc gia có 6.569 sinh viên chính quy nhưng có tới 10.219 sinh viên hệ vừa học vừa làm!

Sẽ phải trả giá đắt!

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội cho rằng chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ càng ngày càng đi xuống. Ông lo lắng chỉ 5 - 7 năm nữa chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho chất lượng giáo dục. Vì giáo dục phổ thông đã bỏ hết các kỳ thi đánh giá quan trọng, đến lớp 12  mới có một kỳ thi có thể nói là “thi cho qua chuyện”. Do đó, chất lượng sẽ đi xuống. 

Còn với giáo dục ĐH, GS Thuyết khẳng định  thời gian qua, Việt Nam đã không tính toán khi tăng quy mô đào tạo, tăng bất chấp mọi điều kiện đào tạo. “Như thế này chắc chắn sẽ làm tăng đội ngũ thất nghiệp và làm nền kinh tế của Việt Nam yếu đi” - GS. Thuyết bày tỏ. 

Đánh giá về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT không muốn các trường “phình” quy mô, giống như kiểu làm ăn, thấy có lãi là tăng số lượng, không chú ý đến chất lượng. “Quan điểm của chúng tôi khi đưa ra Thông tư 32 là nếu quy mô vẫn thế nhưng chất lượng nâng lên thì sẽ được tăng học phí. Mục đích của Bộ là nâng cao chất lượng vì nhu cầu của người học muốn vào ĐH không tăng lên cao nữa” - bà Phụng nói. 

Cũng theo bà Phụng, các trường lớn phải làm gương trước, không tăng quy mô mà tăng chất lượng. “Nguồn thu của các trường sẽ không phải tính trên đầu người mà là trên cơ sở tăng chất lượng dịch vụ và người dân sẵn sàng bỏ tiền để mua dịch vụ đó” - bà Phụng cho biết thêm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận thời gian vừa qua nhiều trường tăng quy mô quá nhanh nhưng Bộ không thể hạn chế được vì quy định trước chỉ cần vài phòng học, tuyển thêm một số giảng  viên là có thể tăng quy mô vì các trường tự chủ xác định chỉ tiêu. “Đáng chú ý có hiện tượng tính chung chỉ tiêu tuyển sinh theo các ngành cho nên có những ngành của trường 50-60 sinh viên/giảng viên nhưng có ngành chỉ hơn chục sinh viên dẫn đến không bảo đảm chất lượng” – GS Bùi Văn Ga nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh