THỨ BẨY, NGÀY 14 THÁNG 09 NĂM 2024 08:25

Cha mẹ tự tử, bắt con cùng chết là vi phạm quyền trẻ em

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có quyền được sống

Mới đây xảy ra hai vụ việc cha/mẹ tử tử ép con cùng chết khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Một nữ giáo viên ở xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương (chị V.T.H.T, 31 tuổi) ôm hai con nhỏ nhảy sông Thái Bình gây chấn động dư luận. Hai em bé tử vong còn nhỏ dại, một em mới chỉ hơn 2 tuổi, một em 9 tháng tuổi đã bị mẹ ép quyên sinh. Tiếp sau đó là vụ anh M.X.B. (29 tuổi, quê Quảng Bình, tạm trú TP. Ðà Nẵng) nhẫn tâm ôm con gái M.N.D.L (6 tuổi) gieo mình xuống cầu Cửa Ðại. Trước khi người cha ôm con nhảy xuống sông, một số người đi đường còn nghe bé gái vùng vẫy và khóc thét: "Ðừng ba ơi, đừng ba ơi…".

Lực lượng chức năng tìm kiếm tung tích các nạn nhân.

Lực lượng chức năng tìm kiếm tung tích các nạn nhân.

Cha mẹ tự tử và bắt con cùng chết thể hiện sự bế tắc, không tìm ra lối thoát của người mẹ. Theo Tiến sĩ tâm lý Hoàng Cẩm Tú, hầu hết những người có hành động dại dột trên là do họ bị tổn thương về tâm lý, thậm chí có các vấn đề về rối loạn tâm thần gồm trầm cảm, rối loạn nhân cách, tâm thần phân liệt, loạn thần, mang ý định tự sát.

Mỗi đứa trẻ sinh ra có quyền được sống, bản thân cha mẹ sinh con ra cũng không có quyền tước đoạt quyền thiêng liêng đó. Ðứa bé vốn không có khả năng tự vệ, nó phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ và là đứa bé vô tội, nó không phải chịu trách nhiệm về chuyện của người lớn. Nhưng chỉ vì cạn nghĩ, trong một phút dại dột họ đã tự tước đi mạng sống của chính con mình, bản thân mình, để lại nỗi đau khôn cùng cho những người ở lại.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Ðoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, ôm con tự tử là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu cấu thành tội cố ý giết người theo quy định tại Ðiều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Trong trường hợp này, người mẹ (hoặc cha) đứa trẻ đã tước đoạt mạng sống của người khác, vi phạm vào quyền sống, quyền được pháp luật bảo hộ tính mạng con người được ghi nhận tại Ðiều 19 của Hiến pháp 2013.

Một trong các quyền cơ bản của trẻ em được quy định theo Luật Trẻ em 2016 là quyền được sống: Bao gồm quyền của trẻ em được sống cuộc sống bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển thể chất.

Cần sự hỗ trợ kịp thời của gia đình

PGS.TS. Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Ðại học Giáo dục, ÐHQGHN nhận định, hiện tượng tự tử cùng con bị xem là một tội ác khủng khiếp, không thể chấp nhận và sẽ bị quả báo nặng nề. Trong các trường hợp cha mẹ tự tử cùng con, thường có tỉ lệ mẹ tự tử cùng con cao hơn rất nhiều so với bố và con. Các số liệu thống kê về các trường hợp mẹ tự tử cùng con cho thấy, phần lớn là phụ nữ từ 25-35 tuổi, không có nghề nghiệp ổn định và gặp nhiều vấn đề trong đời sống hôn nhân.

Có 3 nhóm nguyên nhân ở những bà mẹ đã tự tử cùng con: Bà mẹ đang bị tổn thương sức khỏe tâm thần, từng bị trầm cảm nhưng không được chăm sóc và điều trị đúng; Bà mẹ chịu quá nhiều áp lực do các trách nhiệm trong cuộc sống, như phải chăm sóc người bệnh lâu năm, hay gặp nhiều áp lực tài chính do phải nuôi con mà không được sự hỗ trợ của chồng; Bà mẹ trải qua những sang chấn tâm lý quá lớn (như có con bị khuyết tật, nhận tin con bị bệnh nan y, có chồng ngoại tình, bị chồng bạo hành) dẫn đến tâm lý tuyệt vọng.

Những quyết định tự tử thường được đưa ra khi người mẹ có các triệu chứng trầm cảm hoặc một tổn thương sức khỏe tâm thần khác mà gia đình không biết. Vì vậy, họ không thể cân nhắc một cách lý tính để đưa ra quyết định như những người bình thường. Ðầu tiên là chồng, các thành viên trong gia đình và sau đó là xã hội đều có phần trách nhiệm trước thực trạng này.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chia sẻ, tôi tin rằng, nếu có sự chia sẻ, động viên, hỗ trợ kịp thời và phù hợp của gia đình và cộng đồng thì những cái chết thương tâm đó có thể tránh được. Bên cạnh đó, cần lưu ý xây dựng, vun đắp mối quan hệ yêu thương, bình đẳng, cởi mở, hỗ trợ lẫn nhau trong gia đình để gia đình thực sự là tổ ấm, là nơi mọi người, dù là nam hay nữ, nhiều tuổi hay ít tuổi đều có thể dễ dàng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, tìm sự hỗ trợ khi khó khăn.

PGS.TS. Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên, các bà mẹ cần được trang bị các kiến thức về trầm cảm và trầm cảm sau sinh, các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em, nhận thức về tự tử cùng con cũng là một tội ác, kỹ năng quản lý stress, giải quyết vấn đề, những phương pháp giải quyết xung đột không sử dụng bạo lực hay hành vi ngược đãi khi phát sinh các mâu thuẫn, tranh cãi. Ngoài ra, họ cũng cần được giáo dục về các niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng và truyền thống văn hóa không cổ vũ, khuyến khích hành vi tự tử. Họ cũng cần biết một số nguồn trợ giúp xã hội miễn phí để xin tư vấn trong những trường hợp không thể tìm ra lối thoát, ví dụ như các số điện thoại đường dây nóng, thông tin liên lạc với các cán sự xã hội cộng đồng, các nhà tâm lý, hay các bác sỹ chuyên khoa tâm thần.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần phát triển mạnh hơn các hệ thống hỗ trợ và chăm sóc phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần trong gia đình và cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe tâm thần của các bà mẹ trẻ như: cải thiện công tác sàng lọc các bệnh tâm thần trong cộng đồng, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận với các hệ thống chăm sóc, can thiệp sức khỏe tâm thần có uy tín một cách dễ dàng khi cần thiết. Có thể cần một đường dây nóng để phản ánh những nguy cơ về việc tự tử trong tương lai.

“Khi gặp bế tắc, phụ nữ phải học cách giải quyết xung đột, chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân hoặc những người đáng tin cậy. Sẽ luôn có lối thoát trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nên tuyệt đối không chọn kết thúc bi thảm như vậy. Chị em cần nắm được các địa chỉ hỗ trợ, tư vấn cho phụ nữ khi bị bạo lực như "Phím số Bình Yên" tổng đài tư vấn 1900969680, các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, địa phương. Hiện nay, cũng có những lớp học cho các bạn trẻ tham gia tập huấn về giáo dục tiền hôn nhân để trang bị thêm những kỹ năng cần thiết.” - bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

logo CD Vu GD

Hồng Nga

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
UNICEF đánh giá cao về hướng dẫn ưu tiên chăm sóc trẻ em mồ côi do Covid-19 của Việt Nam

UNICEF đánh giá cao về hướng dẫn ưu tiên chăm sóc trẻ em mồ côi do Covid-19 của Việt Nam

Ngày 26-9, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã ra thông cáo báo chí cho biết bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam bày tỏ sự đánh giá cao trước việc mới...
2 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh