Cha mẹ Nhật Bản dạy con thế nào?
- Gia đình
- 07:34 - 13/10/2023
Dạy con tính kỷ luật
Người Nhật nổi tiếng thế giới về tính kỷ luật. Nếu bạn làm việc trong các công ty Nhật Bản hay với đối tác người Nhật thì chắc hẳn sẽ cảm nhận rất rõ điều này. Tính kỷ luật cao là một trong những bí quyết đưa đất nước Nhật Bản trở thành nước phát triển sớm nhất châu Á.
Ở Nhật Bản, khi tham gia các phương tiện công cộng, dù là trẻ em, trẻ vẫn tuân thủ quy tắc xếp hàng. Trẻ cũng được cha mẹ dạy nói lời “xin lỗi” khi làm sai và “cảm ơn” khi được người khác giúp đỡ. Nhiều người tưởng rằng các bậc cha mẹ Nhật vô cùng nghiêm khắc để đưa những đứa trẻ vào khuôn phép. Nhưng không, tính kỷ luật của trẻ em Nhật Bản được hình thành dựa trên sự kiên nhẫn và ân cần của các bậc phụ huynh.
Nếu con mắc sai lầm ở nơi công cộng, người Nhật sẽ không la mắng con trước mặt mọi người, họ sẽ tìm nơi kín đáo và giải thích cho con hiểu con đã làm sai điều gì. Việc này giúp bé hiểu rõ mình đã sai ở đâu, và mặc dù sai lầm, trẻ vẫn được cha mẹ tôn trọng, dần dần trẻ sẽ đi vào nề nếp, kỷ luật.
Khuyến khích con tự lập
Trẻ em Nhật Bản ngay từ nhỏ đã được cha mẹ chú trọng rèn tính tự lập. Trẻ hình thành thói quen tự ăn, tự chơi, tự ngủ, tự chăm sóc bản thân ngay từ những năm đầu đời. Ðến bậc tiểu học, đa số trẻ em thường tự tới trường mà không có phụ huynh đi kèm và đều biết cách sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Ðiều này không chỉ gây bất ngờ đối với các bậc phụ huynh Việt Nam, mà ngay cả các bậc cha mẹ phương Tây cũng vô cùng ngạc nhiên khi thấy các em bé Nhật mới chỉ 6 tuổi tự lên xe bus, tàu điện ngầm hoặc đi bộ tới trường.
Dạy trẻ công bằng và biết tôn trọng người khác
Trẻ em Nhật Bản luôn được cha mẹ, thầy cô và người lớn đối xử công bằng dù sinh ra trong gia đình giàu có hay nghèo khó. Ngay từ khi còn nhỏ, các bậc cha mẹ sẽ dạy trẻ về các giá trị sống chung trong một xã hội. Bên cạnh đó, trẻ em cũng được dạy phải đối xử công bằng với tất cả bạn bè và tôn trọng người lớn tuổi.
Ở Nhật, khi gặp người lớn tuổi, trẻ em cần nghiêng mình cúi đầu 30 độ trong 2-3 giây. Với những người càng quan trọng, để thể hiện lòng tôn kính tuyệt đối, sự trân trọng và biết ơn thì cái gập mình cúi chào càng sâu hơn.
Không chỉ cúi đầu khi chào hỏi, khi mắc lỗi, để thể hiện sự hối lỗi chân thành, trẻ cần nghiêng mình 45 độ.
Khuyến khích con tham gia các hoạt động tập thể
Không chỉ dạy con tính kỷ luật, sự tự giác, các bậc cha mẹ Nhật cũng rất chú trọng các hoạt động vui chơi và giải trí của trẻ. Họ thường khuyến khích con tham gia các hoạt động tập thể, điều này không chỉ giúp trẻ được vận động, rèn luyện sức khỏe mà còn tăng tính tương tác, kết nối với bạn bè và mọi người, giúp trẻ phát triển các kỹ năng sống quan trọng như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, lãnh đạo bản thân, giải quyết vấn đề, ra quyết định...
Tại các khu dân cư Nhật Bản, người ta thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể, cùng nhau dọn dẹp khu phố hay làm từ thiện.
Khuyến khích con bộc lộ năng lực bản thân
Cha mẹ Nhật luôn khuyến khích và tạo cơ hội để trẻ được học những môn năng khiếu mà con yêu thích. Họ kiên nhẫn lắng nghe những mong muốn và ước mơ của trẻ; cho con tham gia các câu lạc bộ thể thao, các lớp học năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật, sáng tạo…; sẵn sàng cho con trải nghiệm những điều mới mẻ để con có thể bộc lộ năng lực bản thân.
Cha mẹ làm gương cho con
Cách dạy con của người Nhật là cha mẹ cần là tấm gương sáng cho con trẻ noi theo. Muốn trẻ đọc sách - cha mẹ cần đọc sách với trẻ, muốn trẻ nề nếp và kỷ luật - cha mẹ phải tuân thủ các quy tắc, quy định đã đặt ra. Các bậc cha mẹ Nhật luôn cố gắng xây dựng môi trường sống tốt nhất để trẻ có thể phát triển một cách tích cực và toàn diện.
Không khen chung chung mà khen một hành vi cụ thể
Cha mẹ Nhật hiếm khi khen trẻ kiểu vô thưởng vô phạt: “Con giỏi lắm?”, “Con mẹ thật tuyệt vời!” mà thường khen cụ thể một hành vi trẻ đã làm tốt. Ðiều này giúp trẻ hiểu rõ mình được khen vì điều gì và trẻ nên làm gì để tiếp tục được cha mẹ khen ngợi. Ví dụ, cha mẹ Nhật sẽ khen: “Hôm nay, con đã ăn rất ngoan!”, “Mẹ rất vui vì con đã cư xử lễ phép tại bữa tiệc mừng thọ ông nội ngày hôm qua!”…
Không chỉ trích lỗi lầm của trẻ
Ai trưởng thành mà chẳng từng trải qua sai lầm hay vấp ngã. Thay vì chỉ trích, chế giễu những lỗi lầm của trẻ, cha mẹ Nhật thường động viên, khuyến khích trẻ sửa sai. Ở Nhật, các bậc cha mẹ hiếm khi áp dụng các hình phạt nghiêm khắc như đòn roi hay chửi mắng. Họ luôn giữ thái độ bình tĩnh trước những sai lầm của trẻ và hướng trẻ cư xử nhẹ nhàng, và kiềm chế bản thân trong tất cả các tình huống.
Không khoe con
Nhiều bậc cha mẹ Việt Nam rất thích khoe con cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời. Nhưng ở Nhật Bản, cha mẹ Nhật hầu như không có khái niệm khoe con vì họ không muốn đứa trẻ trở nên tự phụ hay tự tin thái quá. Hơn nữa, với bản tính kín đáo, khiêm tốn, người Nhật không muốn để lộ các thông tin cá nhân của bản thân cũng như con cái. Ðây là thói quen suy nghĩ dường như đã ăn sâu vào văn hóa ứng xử của người Nhật. Ðối với người Nhật, sự giàu có, giỏi giang không phải là thước đo để so sánh giá trị của bản thân với người khác.
Người mẹ thường tự làm đồ ăn cho con
Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản rất thấp. Ngày nay, giới trẻ Nhật Bản lười kết hôn và sinh con. Nhưng một khi đã sinh con, các bà mẹ Nhật rất tận tụy chăm sóc trẻ. Họ dành phần lớn thời gian để chăm sóc con cái và nhà cửa. Ðặc biệt, các bà mẹ Nhật dù vô cùng bận rộn nhưng thường tự tay làm đồ ăn cho con mang đến lớp. Từ trước khi sinh con, họ đã tham gia các lớp học dinh dưỡng để có những hiểu biết cơ bản nhất về chế độ dinh dưỡng cho trẻ em. Không chỉ chế biến những món ăn lành mạnh, giàu dinh dưỡng, mẹ Nhật còn khéo tay tạo hình các món ăn vô cùng sinh động và hấp dẫn để kích thích trẻ ăn ngon miệng.