THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:28

Cấm thi lớp 6, Bộ GD&ĐT có biết bao nhiêu em phải thi không?

 

Học sinh lớp Trường THCS Nam Từ Liêm trong một giờ chào cờ đầu tuần.    Ảnh Xuân Trung.

Hiện tại, theo thông tin tin cậy, các trường THCS tại Hà Nội chưa thống nhất được phương án tuyển sinh lớp 6 thay cho thi tuyển mà Bộ GD&ĐT đã có quy định trước đó. 

Việc bối rối này khiến hàng nghìn phụ huynh bị quây trong một mớ bòng bong khi các trường trọng điểm liên tục đưa ra những phương án dự kiến xét tuyển.

Trước quy định này, một số nhà giáo lên tiếng đặt câu hỏi trong thực tế giáo dục hiện nay, khi chưa có chuẩn bị, tập huấn, giải pháp thì quy định bỏ thi lớp 6 phải chăng là vội vàng từ phía Bộ GD&ĐT?

PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT băn khoăn, có nhiều vấn đề mà Bộ GD&ĐT chỉ nghe người này nói, nghe người khác nói và thích làm gì cũng được mà chưa có một cơ sở nào. Ví như bỏ thi thì lí do gì? Phải chăng phổ cập đã từ lớp 1 đến lớp 9, thành một hệ thống liên thông?

PGS. Trần Xuân Nhĩ bày tỏ, thực ra học sinh học hết lớp 5 thì đương nhiên lên lớp 6, 7, 8. Trước đây chúng ta thi để chọn ra những học sinh giỏi vào trường này, trường kia, trong giáo dục phải có phân hóa, mà đã phân hóa thì phải thi, nhưng thi như thế nào mà thôi. “Ngay từ tiểu học bỏ thi sẽ có thể khiến học sinh không học, tức là chúng ta đang có hiện tượng tư duy chưa thống nhất, từ đó không thể có nguồn nhân lực có chất lượng. Tôi thấy chỉ nghe người này nói tốt, người kia nói tốt mà chúng ta chưa có một thiết kế tổng thể, ví như thiết kế tổng thể về bỏ thi từ dưới lên trên. Chứ năm nay thay cái này, năm sau chúng ta thay cái khác, tôi không muốn nói thêm, chỉ xem thực tiễn chúng ta thực hiện như thế nào” PGS. Trần Xuân Nhĩ cho biết.

Cũng có quan điểm, việc quy định không  thi lớp 6 là để đồng bộ với Thông  tư 30 về xếp loại và đánh giá học sinh tiểu học? Quan điểm của PGS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng, ngay cả nước có nền giáo dục tiên tiến như Singapore cũng không bỏ đánh giá học sinh. Quan trọng chúng ta đánh giá như thế nào, chứ không phải tất cả đều không đánh giá. Vấn đề hiện nay chúng ta đổi mới như thế nào để hợp với điều kiện của Việt Nam. PGS. Nhĩ nhấn mạnh, chúng ta xây ngôi nhà cũng phải xây cái móng đầu tiên, chứ không làm một cách vội vàng trong mọi thứ được.

PGS Trần Xuân Nhĩ nói: “Tôi cảm giác nhiều thứ trong giáo dục chúng ta làm hơi vội vàng, không có cơ sở, chính vì thế chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng. Nguyên tắc cải tiến là cái sau bao giờ cũng tốt hơn cái trước, nếu chưa tốt thì không nên cải tiến”.

Hiện tại, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của cấp chính quyền địa phương, các trường THCS dự kiến đưa ra các hình thức tuyển học sinh bằng các bài test IQ, EQ, liệu đây có phải là một hình thức thi để sàng lọc học sinh? PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết, vấn đề này là quyền tự chủ của các trường. Nếu học sinh dự  tuyển đông thì rõ ràng phải có các bài test kiểm tra để chọn những em có tư duy tốt. 

Trước vấn đề này, PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường phổ thông Lương Thế Vinh cho biết: "Cho tới năm 2014 số học sinh không phải thi vào lớp 6 chiếm khoảng 95% (các em được tuyển theo tuyến). Duy chỉ có một số trường đặc biệt được phép tuyển toàn thành phố như trường chất lượng cao, trường dân lập có tiếng thì không thể phổ cập vì học phí cao. Những trường này thu hút nhiều học sinh vào học, chính vì thế mới sinh ra thi tuyển. Tôi đã đề nghị số phải thi này cần được báo cáo chính thức, nhưng tôi ước chừng chỉ khoảng 5% mà thôi. TP. Hà Nội hôm nay họp cũng chỉ có 3 trường, TP. Hồ Chí Minh có 1 trường, Đà Nẵng 1 trường, đây không phải là đại đa số, mà là đặc thù, đặc thù cũng cần quan tâm tới quyền lợi chọn trường của người học. Khi Bộ GD&ĐT đưa  ra một thông báo như vậy khiến nhiều người lầm tưởng cứ học xong lớp 5 là phải thi vào lớp 6, thậm chí nghĩ thi căng thẳng như thi đại học”.

Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương cũng cho rằng việc cấm thi tuyển vào lớp 6 là một quyết định vội vàng. Nếu cần giải pháp để xử lý một số trường đặc biệt như trên thì sẽ có nhiều cách khác, hơn nữa cần để các trường đặc thù có thời gian chuẩn bị.

Được biết, sáng 15/4, Sở GD&ĐT Hà Nội đã họp và duyệt các phương án của các trường THCS trình lên. Tuy nhiên, đến ngày 21/4 Sở GD&ĐT Hà Nội mới chính thức thông báo các phương án để các trường tuyển sinh.

 

theo báo Giáo dục

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
2 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh