Cái đèn đi trước, con chữ theo sau…ở nơi "không điện"
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 22:21 - 09/08/2015
Từ xã đến trường đều "đặc biệt nghèo"…
Phước Lộc là một trong số xã đặc biệt nghèo của huyện Phước Sơn, đến nay vẫn chưa có điện lưới Quốc gia. Nơi đó chủ yếu là người Gié Triêng, Bh'noong, Nùng,..Điện thoại lúc được lúc mất, không điện nên hệ thống thông tin cũng gặp nhiều khó khăn.
Cả một xã chỉ có một trường mang tên Trường PTDT TH&THCS Phước Lộc, tập trung 2 cấp học, tiểu học và trung học cơ sở. Trường gồm 10 lớp, trong đó, 6 lớp tiểu học, với 114 học sinh, 4 lớp THCS, với 71 học sinh.
Khu nội trú của học sinh Gié Triêng.ảnh:H.T
Thầy Nguyễn Văn Ánh, Hiệu trưởng Trường PTDT TH&THCS Phước Lộc, cho biết:"Phước Lộc là một xã nghèo, có thể mô tả như thế này, toàn xã chỉ có vài ba hộ kinh doanh, không có bất kỳ một hộ nào bán đồ điện tử vì không có điện. Cả xã tính ra chỉ có 2 quán bán gạo, muối, dầu, mì chính phục vụ cho nhu cầu thiết yếu nhất của xã". Trong xã thì có nhiều thôn còn nghèo hơn, nhất là thôn 8, đường vào thôn thì khó khăn, dân ở đó, không biết làm gì để sống, học sinh thôn 8 đi học cũng thuộc diện ít nhất, theo thầy Ánh thì chỉ …vài em thôi.
Không chỉ thế, trường lớp cũng nghèo, thầy Ánh cho biết:"Trước năm 2005, trường học chỉ là một nhà lợp ván lại, đến năm 2005, Nhà nước đầu tư xây 10 phòng học bằng gạch, xây mới, trong 10 phòng thì có 2 phòng hiện vẫn lợp tôn ván".
Sự học ở vùng cao đến cái bàn học trong khu nội trú cũng là khó. ảnh:H.T
Tất cả khung cảnh xung quanh của xã đã hòa trộn thêm cái sự nghèo của vùng cao. Khi chúng tôi đến huyện, người ta nhắc đến Phước Lộc thường gắn thêm cho nó chữ "đặc biệt nghèo". Người dân nơi đây sống bằng nghề nương rẫy, đất đai không thể trồng rau, chuyện buôn bán cũng trở nên khó khăn. Nhưng cũng trong cái bóng đêm ấy, luôn có những tia sáng len vào khung cửa từng ngôi nhà nhỏ.
Người đem ánh sáng đến với trẻ em vùng cao…
Ở một xã "đặc biệt nghèo", trường cũng họa thêm cho cái sự nghèo nơi đây. Thì những thầy cô ở vùng này, gắn bó bao nhiêu năm lại được ví như thứ ánh sáng của chiếc tàu điện đi qua xã nghèo. Cách đây chục năm trước, đường xá đi lại khó khăn, thậm chí không có đường mà đi, nước không tới, chỉ thấy vài căn nhà với cái đèn dầu leo lắt. Nhiều thầy cô vùng xuôi vẫn gắn bó với bản, làng.
Một góc bếp của tập thể.ảnh:H.T
Người đầu tiên chính là thầy Nguyễn Văn Ánh. Chia sẻ câu chuyện của mình, thầy Ánh nói:"Tôi là người huyện đồng bằng Quế Sơn, đến nay dạy ở các vùng núi cao đã 20 năm. Thoáng cái nhanh thật, giờ đường xá cũng đã có, nhưng điện vẫn chưa về".
Thầy Ánh lập gia đình ở Quế Sơn, có khi cả mấy tuần, thầy mới về quê một lần. Thầy cho biết:"Cũng chính vì khó mà thương học trò lắm. Ở trên đây nhiều lúc thấy mình xưa cũ, cứ xuống đồng bằng lại có cảm giác như lạ lắm".
Còn thầy Nguyễn Văn Công, nhẩm tính cũng đã lên với Phước Lộc gần 10 năm. Thầy là người Hà Tĩnh, từ ngày thầy bắt đầu gắn bó với người dân tộc Gié Triêng ở đây, dù lắm vất vả nhưng chẳng khi nào thầy có ý định rời bỏ vùng cao này. Rồi thầy lập gia đình, chuyển nhà từ Hà Tĩnh lên thị trấn Khâm Đức sinh sống, cứ cách một tuần thầy lại lặn lội chạy xe từ Phước Lộc về thị trấn thăm gia đình.
Những ngày đầu đến với Phước Lộc quả lắm gian nan. Thầy Công kể: "Những ngày đầu lên với Phước Lộc, tôi đi xe máy từ thị trấn Khâm Đức đến xã Phước Công, rồi bỏ xe lại, đi bộ gần 4 tiếng đồng hồ lên xã Phước Lộc. Vì ngày đó, đường xá không có như bây giờ. Nhất là mùa mưa đến, đường rừng trơn, lại càng khó đi".
Không chỉ thế, có nhiều thầy giáo đã quyết định lập gia đình ngay tại xã Phước Lộc. Thầy Trần Đình Ngộ, quê ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam, lên xã Phước Lộc hơn 10 năm nay, thầy lập gia đình, làm nhà và gắn bó với Phước Lộc luôn.
Lại kể về cuộc sống cán bộ công nhân viên, thầy Công cho biết:"Toàn trường có 27 cán bộ công nhân viên, thì có đến 23 người ở nội trú". Các giáo viên vùng cao ở nội trú cũng lắm gian nan. Thầy Công cho biết:"23 cán bộ công nhân viên nội trú phải ở trong khu nội trú chật chội. Khu nội trú chia làm 9 phòng thì có 6 phòng xây, 3 phòng tạm bợ. Chưa kể đến phòng làm việc cũng không có. Bình quân 5 người phải làm việc chung trong căn phòng chưa đầy 30m2.Thư viện, thiết bị, đoàn đội cùng dồn chung lại một phòng".
Thầy Ánh cho biết thêm:"Riêng về giáo viên đứng lớp, toàn trường có 16 giáo viên, trong đó 8 giáo viên THCS, 8 giáo viên TH, tất cả các giáo viên đều ở thị trấn lên đây cả".
Thầy Công cho biết:"Ở đây không có điện, nên giáo viên dù có ti vi cũng không mở được, việc tìm hiểu thông tin rất khó. Trường mua vài chiếc máy phát điện, dùng sức nước, cứ có mưa thì điện còn có dùng, còn mùa nắng thì yếu lắm, thậm chí không có dùng. Điện chỉ dùng cho in ấn giấy tờ, chứ không dám dùng việc khác".
Cái đèn đi trước, con chữ theo sau…
Ở vùng núi heo hút ấy, cả thầy và trò đều khó. Theo thầy Ánh, trung bình mỗi lớp là 18 học sinh. Con số này chẳng bằng một nữa học sinh/lớp ở vùng đồng bằng. Còn số học sinh bán trú tại trường chiếm đến 63%. Việc học của các em gắn liền với chiếc đèn. Thầy Ánh cho biết:"Học ban ngày thì nhờ vào ánh sáng tự nhiên, những lúc trời mù, thì mỗi học sinh cầm theo một chiếc đèn đi học. Riêng tất cả các học sinh bán trú đều học lớp ban đêm, cứ 2 buổi/tuần. Mỗi học sinh bán trú được nhà trường cấp cho 1 cái đèn học ở lớp, ở phòng nội trú".
Em Hồ Thị Liễu, lớp 6, trường TH&THCS Phước Lộc, ở thôn 6, Phước Lộc, cho biết:"Em và em trai Hồ Xuân Hoàng, lớp 2, đều học ở trường Phước Lộc, ba mẹ em đều làm nương rẫy, trồng keo. Mỗi lần đi học, khoảng cách từ nhà đến trường là gần 10km, và em phải đi bộ lên. Em ở nội trú trên đó cả tuần mới về nhà một lần."
Phòng học của học sinh vùng cao vẫn còn dùng gỗ với tôn
Chuyện cơm nước ở làng, cũng bắt đầu khoảng 5 giờ chiều, chuyện học kết thúc lúc 9 giờ tối. Chợt nhớ lại, nếu như ở đồng bằng, 9 giờ tối còn có người đi chơi, đi ăn đêm, thì xã Phước Lộc đã chìm trong bóng tối từ rất lâu.
Pha lẫn cái nghèo của vùng núi này, ngoài khu nội trú giáo viên, còn có khu nội trú của học sinh. Thầy Công cho biết:"Có đến 118 em ở nội trú, chia làm 6 phòng, mỗi phòng rộng chỉ 25m2, chiếc giường chỉ là miếng ván kê dài từ đầu dãy đến cuối dãy. Có nhiều phòng các em ở đến 30 học sinh, vì các em hầu hết ở theo thôn xóm. Giường chiếu thì không đủ ấm, thiếu trầm trọng".
Cách thị trấn Khâm Đức, Quảng Nam hơn mấy tiếng đồng hồ chạy xe máy, người dân xã Phước Lộc gần như bị cô lập. Một bảng lương thực được liệt kê, thầy Ánh cho biết:"Trường phải mua lương thực từ những người đi buôn từ đồng bằng lên, còn khi thầy cô giáo nào về thì mang theo ít lên cho học trò cùng này. Giá bán ở đây rất cao, cao gấp đôi so với đồng bằng. Cá chim, cá nục giá đến 70.000 đồng/kg, rau giá 30.000 đồng/kg, dầu gần 30.000 đồng/lít".
Thầy Ánh cho biết:"Đất ở đây không thể trồng rau được, cho nên tất cả từ gạo đến cá, rau đều phải mua. Những lúc trời mưa thì may đâu còn trồng được ít rau. Những lúc trời mưa, không có ai đi bán thì cả trường và học sinh ăn cá khô thay cho đồ tươi. Người dân nơi đây, họ quen rồi, nên cứ đến mùa mưa, họ lại trữ trong nhà gạo, đồ khô để ăn khi đói. Điều đáng mừng là dù chưa có điện, phải học đèn nhưng tỷ lệ duy trì lớp học đạt đến 99%, cụ thể đầu năm học có 116 học sinh tiểu học thì đến cuối năm còn 114 học sinh. Số lượng nghỉ học giảm đáng kể".