Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình
- Gia đình
- 07:59 - 20/10/2023
Hội nghị nằm trong chuỗi tọa đàm do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Thành đoàn Hà Nội và Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội tổ chức tại nhiều quận, huyện nhằm đánh giá quá trình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình thời gian qua, đồng thời tiếp tục tìm kiếm giải pháp để công tác này đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết: Qua 4 năm thí điểm và triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn Thành phố, các Sở, ban, ngành, đoàn thể từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã và cơ sở đã có những cách làm, kinh nghiệm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, về vai trò, ý nghĩa của đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; vai trò các thành viên trong gia đình đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, của dân tộc. Tuyên truyền, giáo dục cho các gia đình, thành viên trong gia đình về pháp luật, chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững; xây dựng gương người tốt việc tốt, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hội nghị thu hút 15 ý kiến tham luận về cách làm và kinh nghiệm trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
Các đại biểu đại diện chính quyền, đoàn thể và gia đình văn hóa tiêu biểu các quận, huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Sơn Tây, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm… đã cùng chia sẻ những ý kiến về vai trò của gia đình cũng như cách xây dựng gia đình văn hóa trong thời hiện đại; việc xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, cách ứng xử trong gia đình; giải pháp lan tỏa Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
Trong quá trình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, đã xuất hiện nhiều gương điển hình văn hóa ứng xử trong gia đình.
Điển hình như gia đình 3 thế hệ của bà Nguyễn Thị Vinh Quy, Tổ dân phố số 7, phường Phúc Diễn, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Bà Vinh Quy chia sẻ, gia đình tôi là một gia đình 3 thế hệ, gồm 12 thành viên. Dù tuổi tác chênh lệch nhau, ngành nghề, công việc khác nhau nhưng chúng tôi luôn gắn kết với nhau bởi phương châm ứng xử của gia đình tôi gói gọn trong 6 chữ “Tôn trọng - Yêu thương - Chia sẻ”. Chỉ 6 chữ ngắn gọn thôi nhưng nó hàm chứa tất cả những gì tốt đẹp trong cách ứng xử của mọi thành viên trong gia đình với nhau. Nhờ có “Tôn trọng - Yêu thương - Chia sẻ” mà chúng tôi đã luôn quan tâm đến nhau, dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất mà nhiều khi không nghĩ đến bản thân mình. Gia đình thuận hòa, vợ chồng chung thủy, cùng nhau san sẻ công việc và trách nhiệm đối với gia đình, chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc. Các cháu hiếu thảo, lễ phép với ông bà, bố mẹ, đặc biệt, biết quan tâm đến tuổi già của ông bà. Già, trẻ, lớn, bé trong nhà được đối xử bình đẳng, không có sự áp đặt, không theo lối gia trưởng nhưng phải có kỷ cương, có tôn ty trật tự. Những việc làm tốt, những sở thích chính đáng đều được khích lệ nhưng vẫn phải có sự chấn chỉnh, uốn nắn khi cần. Có được một gia đình văn hoá là do sự nỗ lực của tất cả các thành viên trong gia đình xây dựng nên mà trước hết là xây dựng được nếp sống văn hóa, cách ứng xử văn hóa trong gia đình. Người người văn hóa, nhà nhà văn hóa là góp phần xây dựng một đất nước văn hóa, văn minh tiến bộ, phồn vinh và trường tồn về mọi mặt. Tôi mong muốn Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình sẽ được phát huy, lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) Sái Thị Hường cho biết, tổ chức Hội phụ nữ đã tập trung vào các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, văn hóa ứng xử, truyền thông lưu động tuyên truyền bình đẳng giới; các buổi sinh hoạt tổ phụ nữ trẻ về chủ đề xây dựng cuộc sống gia đình trẻ, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu; hướng dẫn các chi hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại các buổi mít tinh kỷ niệm, sinh hoạt chi, tổ hội, tham quan về nguồn…
“Thời gian tới, chúng tôi chú trọng đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyên trang, chuyên mục trên các nền tảng xã hội nhằm tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các gia đình điển hình trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử để ngày càng có nhiều gia đình tiêu biểu về thực hiện các tiêu chí”, bà Hường chia sẻ.
Trong khi đó, ông Chung Văn Bình, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi quận Bắc Từ Liêm đề xuất, phải tranh thủ sự hỗ trợ và phối hợp của các gia đình, dòng họ có truyền thống văn hóa, có nền nếp gia phong để tuyên truyền, là tấm gương cho các gia đình khác tham khảo và học hỏi. Thường xuyên lồng ghép 5 nội dung của Bộ tiêu chí vào sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gia đình thực hiện tốt Bộ tiêu chí; đồng thời khích lệ động viên những gia đình, cá nhân có nhiều sự đóng góp thiết thực trong công tác tuyên truyền lan tỏa thực hiện bộ tiêu chí này.
“Cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp cơ sở phải có sự quan tâm sâu sát, phối hợp với các hội, đoàn thể chính trị xã hội, đưa việc thực hiện các nội dung Bộ tiêu chí vào nghị quyết hội nghị đại biểu nhân dân bàn về xây dựng đời sống văn hóa hằng năm, có đánh giá kết quả thực hiện, phân loại từng gia đình về mức độ thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử để có biện pháp triển khai thực hiện trong năm tiếp theo”, ông Bình kiến nghị.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định: Việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã góp phần thay đổi đáng kể đời sống văn hóa ở Thủ đô, tác động từ thái độ, hành vi của mỗi cá nhân, đến việc giữ gìn, củng cố nền nếp, gia phong của mỗi gia đình, phong tục tập quán của cộng đồng, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.