THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 07 NĂM 2024 08:45

Các biện pháp giúp trẻ tăng chiều cao

Cha mẹ cần cho trẻ ngủ đủ giấc và ngủ đúng giờ để cải thiện chiều cao. Ảnh minh họa

Cha mẹ cần cho trẻ ngủ đủ giấc và ngủ đúng giờ để cải thiện chiều cao. Ảnh minh họa

Các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của một người bao gồm:

Yếu tố di truyền: Chiều cao, tầm vóc của trẻ bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền (gen). Tuy nhiên, yếu tố này chỉ quyết định khoảng 23%.

Chế độ dinh dưỡng: Theo nhiều nghiên cứu khoa học, dinh dưỡng quyết định khoảng 32% trong việc phát triển chiều cao của trẻ. Ðây là yếu tố có vai trò cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng lớn đến chiều cao và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Chế độ vận động: Vận động quyết định khoảng 20% sự phát triển chiều cao ở trẻ. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng chế độ ăn uống khoa học, cha mẹ cũng cần chú ý cho trẻ tập luyện thể dục thể thao thường xuyên mỗi ngày.

Các yếu tố khác: Ngoài những yếu tố kể trên, chiều cao của trẻ còn bị ảnh hưởng bởi môi trường sống như giấc ngủ, không khí, tiếng ồn, trạng thái cảm xúc vui, buồn, lo lắng, stress… Những yếu tố này quyết định khoảng 25% sự phát triển chiều cao ở trẻ.

Có 3 giai đoạn quan trọng đối với việc phát triển chiều cao ở trẻ, đó là giai đoạn từ 0 - 2 tuổi, 2 - 3 tuổi và giai đoạn tuổi dậy thì. Trong đó, giai đoạn dậy thì là thời điểm vàng cuối cùng để phát triển chiều cao của trẻ. Ở giai đoạn này, trẻ có thể tăng 8 - 12cm mỗi năm nếu được chăm sóc tốt. Trong đó, bé gái phát triển chiều cao tốt nhất từ 10 - 16 tuổi, còn bé trai là từ 12 - 18 tuổi. Các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý mốc thời gian quan trọng này.

Dinh dưỡng - Yếu tố chính quyết định chiều cao của trẻ

Ðể giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu, cha mẹ cần xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng: chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Trẻ sơ sinh cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và có chế độ ăn dặm hợp lý, cân bằng dinh dưỡng ở các giai đoạn tiếp theo.

Cha mẹ nên cho trẻ ăn các thức ăn nhiều protein như thịt, trứng, sữa và sản phẩm từ sữa, các loại đậu…; các thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá...; cùng các thực phẩm giàu vitamin A, C, D, E...

Trong đó, sữa không chỉ giàu protein mà còn chứa nhiều canxi và vitamin A vừa thúc đẩy trẻ phát triển chiều cao, vừa giúp xương chắc khỏe.

Theo phân tích của các chuyên gia dinh dưỡng, trong một quả trứng gà chứa 2,7g protein từ lòng đỏ và 3,6g protein từ lòng trắng. Ðặc biệt, không chỉ giàu protein, trứng gà còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng khác như vitamin A, sắt, kẽm... Những chất này vừa có giá trị dinh dưỡng cao, lại dễ hấp thụ nên là sự lựa chọn lý tưởng cho thực đơn tăng trưởng chiều cao của trẻ.

Những loại trái cây giàu vitamin A và C như đu đủ, xoài, đào, cam, quýt, bưởi… và các loại rau màu xanh đậm như rau bó xôi, cải ngồng, bông cải xanh, giàu khoáng chất (canxi, sắt, folic, kali, đặc biệt là vitamin A…) được cho là rất quan trọng đối với sự phát triển của xương và mô. Vậy nên, cha mẹ hãy bổ sung các loại rau, củ, quả trên vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của trẻ.

Ðồng thời, hãy lưu ý trẻ tránh xa các loại thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn hoặc thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ, đường.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển chiều cao.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển chiều cao.

Tập luyện thể thao hàng ngày

Cùng với chế độ dinh dưỡng khoa học, vận động hỗ trợ đắc lực giúp trẻ phát triển chiều cao. Tùy từng độ tuổi khác nhau mà cha mẹ lựa chọn cho con các môn thể thao phù hợp để tăng chiều cao.

Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên massage cho con hàng ngày, cho trẻ chơi đùa cùng các bạn để tăng cường vận động. Trẻ lớn hơn một chút có thể tham gia đi bộ hoặc chạy bộ, đạp xe, tập aerobic, chơi bóng đá, cầu lông, bóng rổ, bóng chuyền... để tăng sự dẻo dai, phát triển chiều cao cũng như cơ bắp chắc khỏe.

Mỗi ngày nên cho trẻ vận động hoặc chơi thể thao ít nhất 60 phút, tùy theo độ tuổi và thể lực của trẻ mà thời gian vận động có thể tăng giảm sao cho phù hợp.

Cho trẻ ngủ đủ giấc

Sự bài tiết của hóc môn sinh trưởng có liên quan mật thiết với giấc ngủ của con người. Một nghiên cứu khoa học cho biết, trẻ ngủ sâu vượt quá 1 tiếng, lượng bài tiết hóc môn sinh trưởng mới tăng rõ rệt. Ðây là một trong những nhân tố quan trọng giúp trẻ cải thiện chiều cao. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc mỗi ngày, hãy tạo một môi trường thoải mái nhất có thể để trẻ được ngủ ngon như phòng ngủ sạch sẽ, thoáng mát, không gian sống yên tĩnh, không ồn ào, ô nhiễm…

Bên cạnh đó, các bằng chứng khoa học cũng chỉ ra rằng, chiều cao của con người khi còn nhỏ phát triển mạnh vào ban đêm do sự tăng trưởng chiều dài xương. Do đó, giấc ngủ đặc biệt quan trọng đối với các trẻ nhỏ.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Bệnh viện Ða khoa Quốc tế Vinmec, trẻ từ 1 - 4 tháng: Cần ngủ từ 14 - 15 tiếng mỗi ngày. Trẻ từ 4 tháng tới 1 tuổi: Ở giai đoạn này, lý tưởng nhất là trẻ ngủ được 15 tiếng mỗi ngày, nhưng thực tế ở trẻ dưới 11 tháng tuổi thường chỉ ngủ được khoảng 12 tiếng mỗi ngày. Trẻ từ 1 - 3 tuổi: Cần ngủ từ 12 - 14 tiếng mỗi ngày. Trẻ từ 3 - 6 tuổi: Cần ngủ khoảng 10 -  12 tiếng mỗi ngày. Trẻ từ 6 - 12 tuổi: Cần được ngủ đủ từ 9 - 12 tiếng mỗi ngày. Trẻ từ 12 tuổi trở lên: Cần ngủ 7 - 11 tiếng mỗi ngày.

Giáo sư Yvonne Kelly, Khoa Dịch tễ học và Y tế cộng đồng Ðại học London, cho biết: “Giai đoạn phát triển ban đầu của trẻ có ảnh hưởng tới sức khỏe trong suốt cuộc đời. Giờ ngủ không điều độ sẽ làm suy yếu tình trạng thể chất và tinh thần, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển khỏe mạnh và các hoạt động hàng ngày của trẻ. Vậy nên, giờ ngủ thất thường, đặc biệt ở những thời điểm then chốt cho sự phát triển có thể gây ra ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe sau này của trẻ”.

Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố quyết định chiều cao của trẻ như sức khỏe và môi trường sống… Ðể trẻ có thể phát triển chiều cao một cách tối ưu, cha mẹ cần chú ý vấn đề dinh dưỡng ngay từ khi mang thai và cân bằng chế độ dinh dưỡng, tập luyện cho trẻ từ nhỏ cũng như đảm bảo một môi trường sống tốt nhất có thể dành cho con.

Kết quả khảo sát được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê và Viện Dinh dưỡng quốc gia trong năm 2019 - 2020 cho biết, nam thanh niên Việt Nam có chiều cao trung bình là 168,1cm; còn nữ là 156,2cm. Theo Bảng thống kê chiều cao trung bình của các quốc gia trên thế giới dựa trên nghiên cứu của NCD Risk Factor Collaboration, chiều cao của người Việt Nam đang đứng thứ 153 trên tổng số 201 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Để cải thiện chiều cao cho trẻ và nâng xếp hạng chiều cao của người Việt Nam trong bảng xếp hạng thế giới, cần sự nỗ lực lớn của ngành Y tế cũng như từ chính các bậc cha mẹ.

Phương Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh