CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:09

Bộ Giáo dục không nhập khẩu chương trình giáo dục Phần Lan

 

Cục trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Vang cho biết, từ ngày 25/8 đến 3/9, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đoàn công tác ngành giáo dục đi thăm và làm việc tại Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển. Nhiều kinh nghiệm quý của Phần Lan trong đổi mới giáo dục, phát triển chương trình được hai bên chia sẻ.

Về thông tin gây xôn xao dư luận Việt Nam nhập khẩu chương trình giáo dục của Phần Lan, ông Vang khẳng định, trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Nhạ và Bộ trưởng Thương mại Phát triển Phần Lan không hề nhắc đến việc nhập khẩu chương trình giáo dục Phần Lan về áp dụng tại Việt Nam.

"Hai Bộ trưởng chỉ đặt vấn đề trong việc thúc đẩy các dự án hợp tác nhằm đưa giáo dục Việt Nam sớm tiệm cận với trình độ giáo dục của các nước phát triển như Phần Lan", ông Vang nói.

Cục trưởng Hợp tác quốc tế cho biết, sẽ không có chuyện mang “nguyên xi” giáo dục Phần Lan hay bất kỳ nước nào về áp dụng vào Việt Nam và điều này cũng không thể làm được. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp thu những chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới theo hướng có chọn lọc và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. "Tôi gọi đây là tư duy hội nhập có chọn lọc", ông nói.

 

Cục trưởng Nguyễn Xuân Vang. Ảnh: CTV

 

Hiện Bộ Giáo dục tổ chức xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong quá trình xây dựng, việc học hỏi những thành công và kể cả thất bại của các nước là cần thiết, Cục trưởng Vang cho hay. Sau chuyến công tác, Bộ sẽ có nhiều việc phải làm trong đó có nghiên cứu kỹ thông tin tài liệu, kết quả nghiên cứu của các nước về giáo dục Phần Lan, việc áp dụng chưa thành công tại Indonesia và Thái Lan… Sau đó, Bộ mới có thể nói sẽ tham khảo, áp dụng được những gì.

Không chỉ Việt Nam, rất nhiều nước sang học hỏi Phần Lan

Phần Lan được biết đến với những thành công nổi bật về giáo dục phổ thông nhiều năm qua. Trong kết quả của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) khởi xướng, Phần Lan luôn đứng thứ hạng cao. 

Với hệ thống giáo dục bình đẳng, công bằng, học sinh Phần Lan được phát huy hết năng lực từng cá nhân để sau này hòa nhập dễ dàng với cuộc sống. Vì vậy, ông Vang cho biết không chỉ có Việt Nam mà hàng trăm đoàn tham quan từ các nước cùng nhiều chương trình, bài báo giới thiệu về những ưu việt của nền giáo dục nước này.

Cục trưởng Vang nhận định, yếu tố đầu tiên và then chốt góp phần vào thành công của giáo dục Phần Lan là giáo viên. Nhà nước đầu tư rất lớn cho giáo viên, xã hội kính trọng thực sự đối với nghề giáo, lương không phải cao nhất nhưng được tôn trọng nhất. Việc tuyển chọn giáo viên rất khắt khe, tỷ lệ chọi là 1/10, phải học 5 năm để có bằng thạc sĩ rồi mới được dạy. Giáo viên rất tự hào về nghề nghiệp và họ được đào tạo bài bản để biết cách khơi dậy tiềm năng của từng học sinh.

Yếu tố thứ hai là đầu tư của nhà nước, Phần Lan chi mạnh cho giáo dục. Yếu tố thứ ba là những người liên quan như phụ huynh, cơ quan quản lý giáo dục, chính phủ, báo chí… đều ủng hộ giáo dục một cách tích cực, xây dựng.

"Mặc dù được đánh giá là có nền giáo dục phổ thông tốt nhất thế giới, nước này vẫn không ngừng đổi mới, trên nền tảng vững chắc họ đã xây dựng được", ông Vang nói và cho biết có rất nhiều điều mà ta có thể tham khảo, học tập được từ Phần Lan như chính sách về giáo viên, chương trình, sách giáo khoa, tạo dựng môi trường học tập tốt cho học sinh…

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh