THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:11

Bộ GD&ĐT: Công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

 

Phát biểu giới thiệu Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (Chương trình tổng thể), GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhấn mạnh: “Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú; nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại”.

 

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.


Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục và pháp luật liên quan. Trước khi công bố dự thảo chương trình tổng thể lên mạng Internet để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân một lần nữa, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các hội thảo, tiếp thu ý kiến từ nhiều cơ quan, nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và chuyên gia tư vấn quốc tế. Chương trình cũng đã được Hội đồng Quốc gia Thẩm định chương trình giáo dục phổ thông thẩm định lần thứ nhất.

 Phương pháp xây dựng chương trình

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, thông thường, khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng tiếp cận nội dung, người ta xuất phát từ hệ thống kiến thức của môn học, chọn ra từ đó những kiến thức được cho là cần thiết đối với học sinh phổ thông để đưa vào chương trình.

Nhưng với định hướng tiếp cận năng lực thì việc xây dựng chương trình phải xuất phát từ phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, trên cơ sở đó xác định nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu phát triển nhân lực, mục tiêu giáo dục phổ thông, rồi từ mục tiêu đó xác định những phẩm chất và năng lực cần hình thành, phát triển ở học sinh, tức là chuẩn đầu ra của chương trình. Từ chuẩn đầu ra mới xác định được những nội dung cần dạy, từ đó phân bổ thời lượng dạy học, xác định phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục. Đó là phương pháp Sơ đồ ngược (Back - Mapping) thường được áp dụng trong xây dựng chương trình giáo dục theo định hướng tiếp cận năng lực.

 Nội dung chính của dự thảo chương trình tổng thể Hướng  đến “chân dung” người học sinh mới: “Đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh”.

Dự thảo chương trình nêu lên 6 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: Yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.    

Theo đó, hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Cụ thể:

Môn học bắt buộc là môn học mà mọi học sinh đều phải học.

Môn học bắt buộc có phân hóa là môn học mà nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần (môđun), trong đó một số chủ đề hoặc học phần là bắt buộc đối với tất cả học sinh, một số chủ đề hoặc học phần được tự chọn tùy theo nguyện vọng của học sinh và điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục.

 Môn học tự chọn là môn học không bắt buộc, được học sinh tự nguyện lựa chọn, phù hợp với nguyện vọng, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Môn học tự chọn bắt buộc là môn học mà học sinh bắt buộc phải lựa chọn trong số các môn học định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, lớp 12 theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.

 Các môn học ở tiểu học:

Các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ.

Các môn học bắt buộc có phân hóa: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, ở cấp tiểu học còn có hoạt động Tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên). 

Các môn học ở trung học cơ sở:

Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

 Các môn học ở trung học phổ thông:

Lớp 10: Dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp. Các môn học bao gồm:

Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục quốc phòng và an ninh

Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

 Lớp 11 và lớp 12:

Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Các môn học tự chọn bắt buộc: Học sinh chọn 3 môn và 1 chuyên đề học tập trong số các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

 Dự thảo chương trình tổng thể đã nêu ra ba hình thức đổi mới đánh giá kết quả giáo dục:

Đánh giá thường xuyên, do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.

 Chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

 Dự thảo chương trình tổng thể đã đưa ra những điều kiện tối thiểu về giáo viên và cán bộ quản lý để thực hiện được chương trình mới. Cụ thể:

Tập trung  xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng thể đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.

Rà soát và xây dựng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông phù hợp yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới chương trình đào tạo của các trường sư phạm theo hướng mở, linh hoạt; cập nhật, bổ sung kịp thời các mô đun dựa trên các yêu cầu của Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông.

Xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên phổ thông dưới dạng mô đun, theo nguyên tắc cuốn chiếu, phù hợp lộ trình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; giáo viên học đầy đủ các mô đun cần thiết có thể lấy bằng đại học; xây dựng tài liệu bồi dưỡng theo tinh thần kết hợp hình thức bồi dưỡng trực tiếp và bồi dưỡng qua mạng, bổ sung các tài liệu hỏi - đáp, tạo điều kiện thuận lợi cho người học.

 Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của nhà trường

Các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của trường phổ thông nêu tại dự thảo chương trình tổng thể là căn cứ để đầu tư đảm bảo triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới thành công.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiến hành điều chỉnh dự thảo Đề án Đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông (đã trình Chính phủ) phù hợp với lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới, phân rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện, nguồn vốn giữa trung ương, địa phương và thực hiện xã hội hoá.

Bộ GD&ĐT cũng đang chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các chuẩn, quy chuẩn về trường, lớp học phù hợp yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới, làm căn cứ xây dựng Đề án tổng thể về cơ sở vật chất, thiết bị trường học (bao gồm cả mầm non, phổ thông và đại học) để xác định tầm nhìn và kế hoạch trong thời gian tới; xây dựng, ban hành các danh mục thiết bị dạy học tối thiểu phù hợp với lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.

Về tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường phổ thông, Bộ cũng chỉ đạo rà soát các quy định hiện hành của liên Bộ GD&ĐT - Khoa học và Công nghệ - Y tế để xây dựng, ban hành quy định mới theo hướng mở thay thế quy định hiện hành tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương áp dụng.

CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh