Bí quyết dạy con của cặp vợ chồng có con trai vào đại học năm 9 tuổi
- Gia đình
- 10:51 - 06/05/2023
Trò chuyện với David Balogun cũng giống như với bao đứa trẻ 9 tuổi. Đôi khi cuộc nói chuyện có đan xen vật lý lượng tử- sở trường của cậu, nhưng tựu chung, David vẫn là một đứa trẻ. Cậu chơi máy bay giấy với em gái, làm những trò nghịch ngợm như áp hai bàn tay che mắt để mô phỏng kính đeo hay ngọ nguậy khi bị kiến bò lên người vì ngồi một chỗ quá lâu.
“Đây là phần bình thường của một đứa trẻ 9 tuổi”, mẹ của cậu, Ronya Balogun, nói với CNBC khi bà hướng cậu bé tập trung vào cuộc trò chuyện.
David là một trong những người trẻ nhất ở Mỹ có bằng tốt nghiệp THPT. Cậu tốt nghiệp vào cuối tháng 1/2023 tại Reach Cyber Charter School, một trường học trực tuyến miễn phí ở bang quê nhà Pennsylvania, và đang đăng ký các lớp học trực tuyến tại Bucks County Community College- nơi cậu chia sẻ rằng có thể hoàn thành bài tập về nhà một tuần chỉ trong một ngày.
Cha mẹ cậu lần đầu kiểm tra trí tuệ của David là khi cậu bé 6 tuổi. Họ phát hiện rằng bộ não của con trai có khả năng hiểu, lĩnh hội rất nhiều khái niệm vượt quá tuổi.
“Khi đó, bạn phải phát triển một tư duy khác với các bậc cha mẹ thông thường. Không phải lúc nào cũng dễ dàng khi con trai bạn liên tục đặt câu hỏi cho bạn. Bạn phải liên tục trả lời các câu hỏi, bởi bạn không muốn nói: 'Hãy để bố yên.'
Gia đình Balogun khẳng định không có công thức nuôi dạy con kỳ diệu nào. Khi nói đến việc nuôi dạy một đứa trẻ như David, “không có cuốn sách nào nói về điều đó,” bà Ronya nói.
Tuy nhiên, họ có nguyên tắc: Khi hệ thống giáo dục không dành cho con bạn, đừng cố ép con phải đi theo hệ thống đó mà hãy tìm cách sửa hoặc tìm một hệ thống khác cho con.
Không ép con giống bạn bè
Khi con vào lớp một, bà Ronya nhận thấy David không thể phát triển tốt trong một lớp học bình thường. Trong một lần tình cờ, bà biết được rằng các bạn cùng lớp lắng nghe cậu nhiều hơn giáo viên của họ. Do đó, gia đình Balogun tìm phương hướng phát triển mới cho con.
Họ đã nghiên cứu Luật Kế hoạch Giáo dục Cá nhân Năng khiếu của bang Pennsylvania, luật này quy định rằng các khu học chánh phải cung cấp các chương trình dành cho trẻ em có năng khiếu. Tuy nhiên, cha mẹ David nói rằng những chương trình đó vẫn không đáp ứng được khả năng của cậu. Vì vậy, khi đại dịch Covid-19 ập đến, họ đã xem xét các giải pháp lâu dài hơn và được cá nhân hóa hơn.
Vào năm 2020, gia đình chuyển cậu bé David lúc đó 7 tuổi sang chương trình học trực tuyến Reach Cyber, chương trình giảng dạy nhấn mạnh vào cá nhân hóa. Tuy nhiên, gia đình lại gặp khó khăn khi cho David ứng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học bởi họ yêu cầu không để đứa con 9 tuổi của mình học cùng lớp với những người 20 tuổi.
Gia đình Balogun không chắc yêu cầu liệu có được đáp ứng, nhưng quyết tâm tìm kiếm một giải pháp sáng tạo và độc đáo "để giúp con trai vượt qua hành trình thực hiện ước mơ của mình”.
Ưu tiên hạnh phúc của con hơn các chuẩn mực xã hội
"Khi David nói con không có bạn bè, điều đó làm tôi đau lòng và phiền lòng”, bà Ronya nói.
Tiến sĩ Ellen Winner, nhà tâm lý học chuyên về trẻ em có năng khiếu, nói với tạp chí ParentEdge vào năm 2012: “Tôi nghĩ vấn đề xã hội và cảm xúc lớn nhất đối với trẻ có năng khiếu là chúng không thể tìm thấy những người giống mình, càng tài giỏi thì càng khó tìm hơn".
Nhà tâm lý học lâm sàng trẻ em Shefali Tsabary trong một bài xã luận đăng trên CNBC nhận định cha mẹ cần hiểu nhu cầu của con cái và điều chỉnh, chứ không phải làm theo chiều ngược lại.
Thay vì gây áp lực buộc David phải xây dựng một mạng lưới bạn bè rộng lớn, bà Ronya tập trung vào việc chấp nhận tính cách hướng nội của con.
Tin tưởng con làm người dẫn đường
Khi David bộc lộ khả năng làm toán năm 6 tuổi, cha mẹ cậu đã tin tưởng và cho phép cậu dẫn dắt những cuộc trò chuyện liên quan lĩnh vực David yêu thích. Bằng cách này, nhà Balogun đã tạo dựng được lòng tin cho con trai - điều cần thiết với tất cả người làm cha mẹ.
Tuy nhiên, điều này cũng có giới hạn. Trong một số lĩnh vực trẻ chưa hoàn toàn hiểu rõ, cha mẹ vẫn cần đóng vai trò dẫn dắt.
Ví dụ, khi David 6 tuổi đi học về và tuyên bố biết em bé được hình thành như thế nào, bà Ronya đã phải hướng dẫn và giải thích rõ ràng hơn về giải phẫu sinh sản trước khi kết thúc cuộc trò chuyện.
Tin tưởng có thể là một chiến lược nuôi dạy con hiệu quả mạnh mẽ. Nhà giáo dục kỳ cựu Esther Wojcicki, người có con là CEO và bác sĩ, viết trong một bài luận cho CNBC: “Bạn càng tin tưởng con mình có thể tự làm mọi việc, chúng càng được trao quyền nhiều hơn".