Bất cập Nghị định 29: Hàng loạt ứng viên dự thi viên chức lên tiếng
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 03:01 - 15/12/2015
Từ khi Nghị định 29 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có hiệu lực và đưa vào thực hiện thì năm nào Hà Nội cũng nhận được đơn thư phản ánh về tình trạng bất cập như người có năng lực hơn thì bị trượt, điểm tốt nghiệp được tính lộn xộn…Nguyên nhân của những lùm xùm này là có “độ vênh” rất lớn giữa quy định về tuyển dụng của Nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định với Quy chế đào tạo của Bộ GD-ĐT.
Hàng loạt ứng viên dự thi viên chức giáo viên năm 2015 của Hà Nội bức xúc với cách tính điểm tốt nghiệp của Sở Nội vụ.
Hàng loạt bất cập ở Nghị định 29
Trong khi các quy định của Bộ GD-ĐT đối với cả hệ đào tạo niên chế và tín chỉ thì điểm trung bình học tập được tính bằng một công thức ràng buộc giữa môn học và số học phần (hoặc số tín chỉ) thì Nghị định 29 quy định: Điểm học tập được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn học trong toàn bộ quá trình học tập của người dự xét tuyển ở trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí dự tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1.
Như vậy với cách tính của Nghị định 29 thì hoàn toàn không quan tâm đến số học phần hay số tín chỉ của từng môn học mà “quy đổi” mọi môn học là như nhau. Chính điều này dẫn đến tình trạng có ứng viên theo cách tính của Bộ GD-ĐT thì điểm trung bình học tập rất cao nhưng khi tính theo Nghị định 29 lại tụt xuống rất nhiều.
Một cán bộ ở Phòng đào tạo của một trường ĐH cho biết: Trong quá trình đào tạo thì sinh viên sẽ trải qua hai giai đoạn: Đào tạo đại cương và đào tạo ngành (bao gồm cơ sở ngành và chuyên ngành). Thông thường số học phần (hoặc tín chỉ) đối với giáo dục đại cương chiếm khoảng 30%, còn đào tạo ngành chiếm khoảng 70%. Những môn học có số học phần (hoặc tín chỉ nhiều) thì đó môn rất quan trọng. Chính vì thế, nếu sinh viên có điểm tốt ở môn học có số học phần (hoặc tín chỉ) cao thì sau này điểm trung bình học tập sẽ tốt hơn. Cách tính điểm trung bình học tập của Bộ GD-ĐT hướng đến đánh giá năng lực người học ở ngành được đào tạo.
“Cách tính của Nghị định 29 là rất bất cập vì nó là điểm trung bình chung giữa các môn học. Kiến thức cơ sở chuyên ngành của ứng viên không tốt nhưng điểm ở phần đại cương cao thì kết quả điểm trung bình có thể lại cao. Như vậy không đánh giá được năng lực người học và cũng không chọn được người tài để tuyển dụng” – Cán bộ này cho biết.
Điểm 2, Điều 12 của Nghị định 29 có quy định: Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự xét tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1.
Tuy nhiên việc Nghị định 29 quy định “cứng” và không sát với thực tế đào tạo đã khiến cho nhiều ứng viên “điêu đứng”. Cụ thể, trong quy chế đào tạo ĐH chính quy của Bộ GD-ĐT đối với hình thức đào tạo niên chế (ban hành năm 2006) hay tín chỉ (ban hành năm 2007) thì ở phần công nhận tốt nghiệp chỉ có khái niệm làm đồ án hoặc khóa luận tốt nghiệp. Việc Nghị định 29 đưa cụm từ “điểm bảo vệ luận văn” không khác gì là đánh đố ứng viên.
Bên cạnh đó, theo quy chế 25 của Bộ GD-ĐT về đào tạo niên chế thì điểm thi tốt nghiệp các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là môn điều kiện để được xét công nhận tốt nghiệp (chỉ xếp đạt hay không đạt – PV). Tuy nhiên, với việc nhiều đơn vị đào tạo lại ghi điểm số cụ thể đối với các môn khoa học này (không có học phần hay tín chỉ) đã vô tình “làm cái cớ” để nhiều đơn vị tuyển dụng áp đặt vào tính điểm tốt nghiệp…
Mỗi nơi thực hiện một kiểu
Cùng chung một Nghị định 29 nhưng trước những bất cập nên có địa phương đã mạnh dạn thay đổi mà chẳng cần xin phép của Bộ Nội vụ. Trong khi đó có địa phương thì “cứng nhắc” áp dụng nguyên si Nghị định 29 khiến nhiều ứng viên bức xúc.
Trong thông báo tuyển dụng của viên chức giáo dục năm 2015 của tỉnh Bắc Giang quy định: Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các điểm thi tốt nghiệp (không tính môn điều kiện: Như môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh…; không tính theo số đơn vị học trình) hoặc điểm bảo vệ luận văn của người dự xét tuyển, được quy đổi theo thang điểm 100 và tính hệ số 1.
Thông báo của Sở GD-ĐT Phú Thọ về tuyển dụng viên chức giáo viên, nhân viên 2014 quy định: Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn (khóa luận tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp) của người dự xét tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100 và tính hệ số 1….
Trong khi đó ở Hà Nội thì cách thực hiên lại có sự thay đổi hàng năm. Năm 2014, sau những lùm xùm trong việc xác định điểm tốt nghiệp của ứng viên, Sở Nội vụ Hà Nội đã có văn bản cho phép ứng viên về cơ sở đào tạo xác nhận lại. Với văn bản đó nhiều thí sinh được công nhận điểm khóa luận như điểm luận văn tốt nghiệp và không tính các môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh…vào điểm tốt nghiệp. Tuy nhiên, năm 2015, Sở Nội vụ lại không công nhận điểm khóa luận hay đồ án tốt nghiệp được tính như điểm luận văn mà thay vào đó tính theo kiểu điểm trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp (điểm khóa luận + điểm môn khoa học Mác – Lênin/2). Sự thay đổi này đã khiến nhiều ứng viên bức xúc khi đang được trúng tuyển lại trở thành trượt.
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Hiện Bộ Nội vụ đang xem xét để điều chỉnh, bổ sung Nghị định 29. Sau khi có dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định, Bộ sẽ công bố công khai để xin ý kiến đóng góp.
Thiết nghĩ, trong khi Bộ Nội vụ vẫn đang làm các quy trình để sửa đổi, bổ sung Nghị định thì chí ít cũng nên có văn bản gửi về các địa phương nhằm thống nhất cách làm, tránh việc mỗi nơi làm một kiểu.