Bảo vệ trẻ em trước sự “tấn công” của thuốc lá điện tử
- Xe máy
- 16:16 - 28/04/2023
Ngày càng nhiều trẻ em hút thuốc lá điện tử
“Mẹ ơi, hôm nay con đang ngồi nghỉ ở ghế đá công viên sau khi đạp xe thì có hai anh chị ngồi gần ngậm cái gì giống như một chiếc bút nhưng lại nhả ra khói. Con tò mò nhìn anh ấy thế là anh ấy phả khói vào mặt con, chị bạn gái bảo anh ấy đừng trêu đùa trẻ con nữa, anh ấy mới thôi ạ.” - bé Nguyễn Thanh Thư (6 tuổi, ở Hà Nội) kể với mẹ.
“Con tôi năm nay học lớp 8, ở lớp cháu, một nửa các bạn nam hút thuốc lá điện tử. Cô giáo chủ nhiệm đã nhiều lần nhắn tin lên nhóm Zalo phụ huynh để cảnh báo và đề nghị các bậc cha mẹ cùng hợp tác để ngăn chặn học sinh hút thuốc lá điện tử, nhưng tình trạng không hề giảm mà càng ngày càng gia tăng. Các giáo viên nhiều lần bắt quả tang học sinh trốn trong nhà vệ sinh của trường để hút thuốc lá điện tử.” - chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, một phụ huynh ở Bắc Ninh cho biết.
Theo kết quả Ðiều tra sức khỏe học sinh toàn cầu năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với gần 7.800 học sinh tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam, có 2,57% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,77%. Với học sinh THCS, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 2,15% và với học sinh THPT là 3,1%.
Tại Hà Nội, theo nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Con số này ở thời điểm hiện tại có lẽ đã cũ, vì theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, số trẻ em hút thuốc lá điện tử đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng.
Trẻ em không chỉ hút thuốc lá điện tử ở quán Internet, quán bi-a hay các quán nước, nhiều em còn ngang nhiên hút tại nhà, trong trường học, ở công viên… Hút thuốc lá điện tử không chỉ có hại cho sức khỏe, mà việc các em ngang nhiên hút ở nơi công cộng còn là tấm gương xấu cho nhiều em khác học theo.
Tác hại khôn lường từ thuốc lá điện tử
Ngày 13/4 vừa qua, Bệnh viện Bãi Cháy tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận 4 học sinh lớp 9 của một trường THCS trên địa bàn nhập viện do ngộ độc nicotine sau khi hút thuốc lá điện tử. Các em bị choáng váng, khó chịu, bủn rủn, run tay chân, tức ngực, khó thở, buồn nôn, nôn nhiều. Các bác sĩ đã cấp cứu và xử trí kịp thời, sau đó chuyển các em sang theo dõi và điều trị tại Khoa Thận lọc máu. Ðây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng này, vì trước đó đã có nhiều học sinh, thậm chí có cả học sinh tiểu học phải nhập viện do ngộ độc thuốc lá điện tử.
Theo TS, BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng (thường chứa nicotine), biến dung dịch này thành hơi cùng những luồng khói có hương thơm để người hút có thể hít vào phổi.
Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch - loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp. Tuy nhiên, một số thành phần chất ma túy cũng có thể được cho vào dưới dạng chất lỏng để tăng cảm giác của người dùng, không rõ nguồn gốc và nồng độ, vì thế gây ra những hệ lụy khôn lường cho học sinh.
Từ góc độ chuyên môn, ThS, BS. Vũ Văn Thành, Khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, với thanh thiếu niên, thuốc lá điện tử gây nghiện và có thể gây ra những thay đổi có hại cho não đang phát triển, làm gián đoạn sự phát triển của các mạch não. Nồng độ nicotin cao ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ…
Bên cạnh đó, nguy cơ tiềm ẩn sử dụng ma túy và các chất kích khác đồng thời với thuốc lá điện tử nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường. Do đó, cần phòng ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá ở những người chưa hút, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên trong trường học.
Làm thế nào để ngăn chặn thuốc lá điện tử “tấn công” trẻ em?
Tại một số hội thảo bàn về giải pháp phòng ngừa thuốc lá thế hệ mới đối với học sinh, Bộ Y tế đề xuất chưa cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh đối với sản phẩm gây nghiện và chưa có phương pháp cai nghiện riêng này, cũng như không thí điểm sản xuất, kinh doanh, sử dụng. Thay vào đó, cần tăng cường đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu và tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, nhất là trong các trường học.
Qua phản ánh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy hiện nay việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt trong đối tượng học sinh. Ngày 24/4, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có Công văn số 474/KCB-QLHN gửi các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.
Tuy nhiên, trong thực tế, thuốc lá điện tử có giá thành rẻ, dễ tiếp cận, dễ mua thông qua các mạng xã hội, trang web, trang thương mại điện tử, cửa hàng bán lẻ, hội nhóm...
Ðể tăng cường công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, Bộ GD&ÐT đề ra các giải pháp như: Tăng cường công tác phối hợp liên ngành để thực hiện nghiêm túc quy định không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường lồng ghép các nội dung về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá trong các môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa, đẩy mạnh truyền thông giáo dục…; Các trường học chủ động phối hợp chính quyền địa phương, và cha mẹ học sinh để bảo vệ trẻ em, học sinh trước sự xâm nhập của thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, các giải pháp này còn nặng về lý thuyết, chưa thực sự phát huy được tác dụng.
Là cha mẹ, để bảo vệ con trước sự tấn công của thuốc lá điện tử, bạn cần chủ động phòng, chống càng sớm càng tốt, đừng để đến khi trẻ nghiện rồi mới can thiệp.
Hướng dẫn trẻ cách nhận biết thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng để trẻ biết từ chối khi bạn bè rủ rê tham gia. Nói với trẻ về tác hại của thuốc lá điện tử, đưa ra các dẫn chứng cụ thể để thuyết phục trẻ nói “KHÔNG” với thuốc lá điện tử.
Bác sĩ Trần Thị Hồng Ngân, Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, để biết con có hút thuốc lá điện tử hay không, cha mẹ cần quan tâm đến các dấu hiệu như: ho, hụt hơi, khó thở, trẻ hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm.
Ngoài ra, cha mẹ lưu ý thấy những vật lạ trong nhà vì thuốc lá điện tử đa dạng về kích thước và hình dáng, có thể xuất hiện dưới dạng ống, USB… Hoặc nếu cha mẹ ngửi thấy những mùi hương bất thường trong nhà, trên cơ thể con, có thể đó là dấu hiệu của việc trẻ dùng thuốc lá điện tử.