Bản Tày làm du lịch cộng đồng
- Dược liệu
- 13:32 - 17/01/2020
Những đổi thay ở một huyện nghèo
Vượt qua chặng đường gần 160km trên chuyến xe khách Hà Nội - Lạng Sơn khiến cho chúng tôi có được một giấc ngủ… tạm! Thi thoảng chiếc xe dừng lại bắt khách rồi lại vội vàng lao vút trên mặt đường bê tông láng mịn. Lúc này trong tôi bắt đầu chập chờn giấc ngủ, những tiếng nói, cười trên xe khi trầm khi bổng, rồi chiếc loa từ xe dần phát ra những bản nhạc du dương, vọng về câu thơ "Đường ta rộng thênh thang tám thước / Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên" trong bài thơ "Ta đi tới" của Tố Hữu khiến chúng tôi bừng tỉnh. Dụi mắt, nhìn ra hai bên đường, nắng mùa đông ruộm vàng, ấm áp, giăng mắc các rặng núi gần xa.
Từ đèo Tam Canh, huyện Bắc Sơn nhìn xuống, mảnh đất hào hùng mang đầy âm hưởng cách mạng giờ đây là những ngôi nhà xây kiên cố nép mình trong vườn cây, những con đường được đổ bê tông sạch đẹp. Đặc biệt hơn nữa, Bắc Sơn còn là huyện dẫn đầu phong trào thi đua "Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".
Chiếc xe dừng hẳn, chúng tôi bước xuống, một làn gió đông thổi về mát lạnh, thoang thoảng đâu đó là hương thơm của núi rừng. Lần đầu đến với Bắc Sơn, điều đầu tiên khiến chúng tôi ấn tượng là những hàng rào cây ôzô dày kín được cắt tỉa gọn gàng, công phu cùng những con đường hoa đủ màu sặc sỡ ngỡ như lạc vào khu vườn cổ tích ở các thôn, bản trên địa bàn. Với đủ các giống hoa: Mười giờ, chiều tím, loa kèn…, con đường hoa dài hàng trăm mét đua nhau khoe sắc tô thắm thêm vẻ đẹp bình yên, lãng mạng của một huyện vùng cao.
Nếu như nhắc đến những con đường hoa ở Bắc Sơn không thể không nhắc tới thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng. Ông Nguyễn Văn Dư, Trưởng thôn Hồng Phong 1 cho biết: Ngay từ khi làm đường, bà con trong thôn đã bảo nhau để ra mỗi bên lề đường từ 30 đến 50cm để trồng hoa. Chính vì vậy, khi đường làm xong thì cũng là lúc những hàng hoa hai bên đường được hình thành với chiều dài gần 1.500m. Dưới sự chăm sóc, bảo vệ của người dân, những con đường hoa phát triển xanh tốt và đơm hoa rực rỡ.
Diện mạo nông thôn thay đổi, con đường hoa tạo thành một trong những điểm nhấn để Hồng Phong 1 trở thành điểm cho các xã khác trong tỉnh đến học tập mô hình. Đến nay, xã Chiến Thắng có 5 thôn xây dựng được đường hoa với tổng chiều dài hơn 3.000m.
Không chỉ ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã khác trên địa bàn huyện Bắc Sơn cũng đã xây dựng được các mô hình trồng hoa ven đường. Đến giữa tháng 8/2019, trên địa bàn xã Nhất Tiến đã trồng được khoảng 4.000m hoa bên đường. Hiện Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên xã vẫn tiếp tục phát động phong trào trồng và chăm sóc hoa 2 bên đường. Ông Ma Thành Đông, Chủ tịch UBND xã Tân Tri cũng cho biết, thấy mô hình trồng hoa ven đường ở các xã khác đẹp, góp phần vào việc giữ gìn cảnh quan môi trường nên xã đã bắt đầu thực hiện được một đoạn đường hoa ở thôn Bản Long với chiều dài khoảng 150m.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn Vi Đình Thiện cho hay: Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt trên 1.080.536 triệu đồng, tăng so với giai đoạn 2011 - 2015 là 460.294 triệu đồng. Huyện đã huy động góp được trên hàng nghìn ngày công lao động, vận động nhân dân tình nguyện hiến được trên 108.300 m2 đất để xây dựng trường học, nhà văn hóa và làm đường giao thông nông thôn.
Tính đến hết tháng 6/2019, Bắc Sơn đã có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó giai đoạn 2011 – 2015 đạt 1 xã; giai đoạn 2016 – 2018 đạt chuẩn 5 xã. Số tiêu chí bình quân/xã tính đến hết tháng 6/2019 đạt 11,33 tiêu chí/xã, tăng bình quân 7,87 tiêu chí/xã so với năm 2011. Bên cạnh đó, huyện còn xây dựng 4 khu dân cư kiểu mẫu.
Từ các mô hình điểm tại một số xã, đến nay, phong trào trồng hoa ven đường tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp đã được thực hiện ở 20/20 xã, thị trấn trong toàn huyện. Khoảng hơn 3 năm trở lại đây, bên cạnh một phần hỗ trợ nguồn lực của nhà nước, nhân dân đã đóng góp trên 50.000 ngày công lao động, qua đó đã trồng được trên 35.000m đường hoa. Đến nay, huyện Bắc Sơn đạt bình quân 11,37 tiêu chí/xã và phấn đấu hết năm 2019, toàn huyện có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng thêm 6 khu dân cư kiểu mẫu.
Người Tày làm du lịch homestay
Là vùng đất còn lưu giữ những nét văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống của người Tày, với những ngôi nhà sàn cổ nép mình dưới chân núi, các làn điệu hát ví, hát then, múa chầu... và nhiều điểm di tích lịch sử gắn với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn cùng những thung lũng bằng phẳng nằm xen kẽ giữa các dãy núi đá vôi tạo nên phong cảnh kỳ vĩ, nên thơ, vì vậy người dân nơi đây đã biết gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch cộng đồng.
Xâm xẩm tối, theo chân đoàn cán bộ của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bắc Sơn, chúng tôi đến thăm homestay của gia đình ông Dương Công Chích, dân tộc Tày, ở bản Nà Riềng, xã Quỳnh Sơn. Nhấp ngụm trà sau bữa cơm tối, ông Dương Công Chích tâm sự: Từ năm 2010, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Phòng Văn hóa huyện Bắc Sơn triển khai mô hình du lịch cộng đồng tại Quỳnh Sơn. Mô hình thí điểm đã chọn một số gia đình xây dựng điểm du lịch cộng đồng (homestay) đạt tiêu chuẩn đón tiếp khách. Gia đình ông là một trong những gia đình được chọn làm mô hình điểm homestay.
Từ khi được lựa chọn làm mô hình phát triển homestay của xã, gia đình ông đã tự chỉnh trang nhà cửa, tường rào để bảo đảm điều kiện đón tiếp, phục vụ du khách. Đến nay, homestay nhà ông có thể đủ đáp ứng ăn, ở cho khoảng 70 khách/ngày. Nhờ đó, gia đình vừa có thêm nguồn thu nhập vừa có thể giới thiệu được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho nhiều du khách biết đến.
Còn với ông chủ homestay Dương Công Vấn, ấn tượng ban đầu với chúng tôi chính là sự niềm nở, hóm hỉnh, đậm phong cách của người làm du lịch, khiến câu chuyện giữa ông với chúng tôi trở nên rất cởi mở. Rót những chén trà nóng vừa pha xong mời khách, ông Vấn cho biết, là một gia đình thuần nông nhưng 2-3 năm trở lại đây đã chuyển sang làm dịch vụ du lịch. Ban đầu khá bỡ ngỡ với mô hình kinh tế mới nhưng nhờ có duyên, homestay của gia đình ông tiếp đón khá nhiều đoàn khách, thu nhập đã khá hơn so với làm nông nghiệp.
Tại Quỳnh Sơn, ngoài homestay gia đình ông Chích, ông Vấn còn có gần 10 homestay khác, trong đó có homestay nhà ông Dương Công Chích không chỉ đón nhiều khách Việt mà còn thường xuyên đón khách nước ngoài tới lưu trú…
Theo ông Dương Duy Khánh, cán bộ văn hóa xã Quỳnh Sơn, năm 2010, làng Quỳnh Sơn được đưa vào khai thác du lịch cộng đồng. Bởi đây là làng người Tày điển hình mang họ Dương ở Bắc Sơn với hơn 400 hộ gia đình và khoảng 1.800 người sinh sống lâu đời; Quỳnh Sơn còn sở hữu một hệ thống nhà sàn truyền thống lợp ngói âm dương cổ kính, cùng hướng nam, núi ôm quanh nhà, nhà ôm quanh ruộng lúa đẹp như một bức tranh; phong tục, tập quán sinh hoạt vẫn nguyên vẹn.
"Sau khi được thí điểm ở Quỳnh Sơn, mô hình du lịch cộng đồng sớm phát huy hiệu quả, tạo nên "làn sóng" du lịch đã phát triển khắp huyện. Bà con người Tày hào hứng, vừa làm ruộng, vừa tranh thủ lúc nông nhàn chỉnh trang nhà cửa, chăm chút các dịch vụ để phục vụ du khách. Nhờ đó, mỗi năm Quỳnh Sơn đón hơn 100.000 lượt khách trong nước và nước ngoài đến trải nghiệm mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây", ông Khánh cho hay.
Nơi vùng cao này, dường như trời tối nhanh hơn, từng cơn gió lạnh thổi về mỗi lúc càng thêm mạnh, sương mù cũng đã giăng kín lối. Từ các căn nhà sàn, tiếng đàn tính rộn ràng, những làn điệu dân ca mềm mại, tục mời rượu theo lối cổ trong những gian nhà đặc trưng của người Tày cũng đã bắt đầu vang lên trong màn đêm tĩnh mịch.