THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:30

Băn khoăn với 3 cách tính giá điện theo đề xuất của EVN

Dùng ít, dùng nhiều: Ai hưởng lợi?

Cả 3 phương án tính giá điện bán lẻ của EVN: Phương án 1 giữ nguyên biểu giá lũy tiến 6 bậc như hiện hành, phương án 2 là biểu giá một mức duy nhất (đồng giá), phương án 3 là rút gọn biểu giá điện bậc thang từ 6 xuống còn 3 hoặc 4 bậc, đều nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía người dân và các chuyên gia.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, phương án biểu giá điện sinh hoạt một mức 2 sẽ có sự minh bạch, rõ ràng, dễ áp dụng, quản lý, kiểm tra và giám sát hơn. Ngoài ra, nó cũng tạo điều kiện giúp cải tiến khâu kinh doanh bán điện về công tác ghi chỉ số công tơ, từng bước thực hiện cơ chế thị trường, xóa bỏ việc thực hiện chính sách xã hội qua giá và thay bằng chính sách khác. Tuy nhiên, với những hộ dùng ít, trung bình khoảng dưới 240 kWh/tháng, có khả năng sẽ bị tăng số tiền phải trả, những hộ dùng nhiều từ 300 kWh/tháng trở lên thì tiền điện trả hàng tháng lại giảm đi. Như vậy, có băn khoăn rằng, những hộ dùng ít điện sẽ phải "gánh" cho những hộ giàu dùng nhiều điện?.

Nhân viên ngành điện lực ghi chỉ số đồng hồ điện.

Theo phân tích của các chuyên gia, hiện nay mức sống của người dân đã cao lên, mức độ sử dụng điện của người dân cũng tăng lên nên mức 50 kWh có thể không còn là lượng điện dùng tối thiểu trong mỗi tháng. Theo tính toán trong năm 2014, số lượng hộ mua điện ít hơn 50kWh chỉ 21,8%, số lượng mua từ 51 - 100 kWh chiếm 25% và đang là tỷ lệ cao nhất. Do đó, ở mỗi bậc giá hiện nay phân ra lượng điện còn quá ít, nên giãn thêm ra thêm khoảng 1,5 lần số điện ở mỗi bậc. Ví dụ, không giữ bậc 1 là từ 0 - 50 kWh, mà nên điều chỉnh thành từ 0 - 100 kWh.

Cân nhắc kỹ các phương án

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng, việc điều chỉnh biểu giá điện bậc thang cần đảm bảo hai yếu tố: Có lợi cho người dân, cụ thể là người nghèo, người thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Hiện nay gần 70% người dân sống ở khu vực nông thôn, chưa kể hàng triệu học sinh, sinh viên, cán bộ làm công ăn lương và công nhân lao động, nên việc điều chỉnh giá điện bậc thang cần hết sức cân nhắc. Hiệp hội cho rằng, chỉ nên có 3 bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt với bậc đầu tiên áp dụng từ 0-150 kWh. Đây là mức hợp lý vẫn đảm bảo doanh thu và lợi nhuận cho ngành điện mà không gây ảnh hưởng cho những người có thu nhập thấp. Trong cơ cấu tiền điện thương phẩm hiện nay, ngành công nghiệp chiếm tới 60%, 40% còn lại là điện dành cho nhà hàng, khách sạn, dịch vụ và dân dụng. Điện sinh hoạt thực tế chỉ chiếm 10%, vì vậy bậc thang 1 có điều chỉnh cũng không đáng bao nhiêu. Các bậc tiếp theo thì càng dùng nhiều, càng phải trả nhiều tiền là đương nhiên. Với người nghèo, người thu nhập thấp càng làm cho họ ít bị ảnh hưởng càng tốt.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: Với phương án 3, dù rút còn 3 hoặc 4 bậc, nhưng có vẻ như phương án này có ưu điểm nổi là duy trì được mục tiêu xuyên suốt và nhất quán không đổi là không làm hao hụt nguồn thu của EVN. Bởi vậy, có lẽ cần có thêm phương án mới, thực chất hơn, trong đó bậc 1 đồng giá cho nhóm đối tượng xã hội có mức tiêu dùng dưới 100kWh/tháng, bậc 2 đồng giá cho các hộ tiêu thụ từ 101 tới 1.000kWh/tháng, bậc 3 là mức trên 1.000kWh/tháng dành cho nhóm dịch vụ và các hộ tiêu thụ điện năng cho các ngành, lĩnh vực không khuyến khích.

Đồng ý với cách tính lũy tiến bậc thang, nhưng PSG.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Việt Nam cho rằng, nên rút gọn biểu giá về 3 bậc, trong đó bậc 1 từ 100 kWh, bậc 2 là 200 kWh, bậc 3 là từ 300 kWh.

KHÁNH VÂN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh