Bài 1: Người “thổi hồn” cho cói Nga Sơn
- Bài thuốc hay
- 16:26 - 13/02/2021
Những cánh đồng cói xanh mướt một dải của Nga Sơn là niềm kiêu hãnh của người dân nơi đây, thậm chí đi vào ca dao sánh ngang với những vật phẩm nổi tiếng cả nước: "Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông". Thậm chí, chiếu cói Nga Sơn từng được xem như vật phẩm tiến cống dưới thời nhà Nguyễn.
Nói về cói Nga Sơn luôn gắn với câu chuyện về người "thổi hồn" cho cói, đó chính là nghệ nhân Trần Thị Việt – Giám đốc Cty TNHH Việt Trang, xã Nga Thanh,(Nga Sơn, Thanh Hoá). Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Trần Thị Việt, một nguyên liệu rất dồi dào là bẹ ngô, bèo bồng, cây lúa non và đặc biệt là cói đã trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ xinh xắn, được giới trẻ trong và ngoài nước ưa thích.
Tháng 2, khi vừa xong mùa cói của năm 2020, chúng tôi về Nga Sơn trong một buổi chiều giáp Tết Nguyên Đán 2021. Mặc dù đã nghe nhiều về nữ doanh nhân Nga Sơn Trần Thị Việt cùng với những thăng trầm của nghề cói, nhưng có lẽ cảm nhận của tôi về bà Việt còn có một cái gì đó chân chất, thuần tuý và rất gần gũi, thân thiện. Bà Việt năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng bà vẫn cùng công nhân làm các sản phẩm từ cói, từ bẹ ngô, bèo bồng, cây lúa non… dưới bàn tay tài hoa của bà những sản phẩm thủ công mỹ nghệ như có hồn hơn, nghệ thuật hơn, điêu luyện và mềm mại hơn.
Gặp bà Việt đang trong xưởng sản xuất cùng công nhân, mặc cho mồ hôi nhễ nhại, nhưng bà vẫn rất vui vẻ đón tiếp chúng tôi và đôi tay vẫn không quên nâng niu từng sản phẩm. Câu chuyện về cói của bà Việt, đã đưa chúng tôi hòa nhập cuộc sống của người nông dân vùng cói Nga Sơn. Nơi mọi cảm xúc buồn vui của mọi người đều được gắn liền với sự thăng trầm của cây cói. Bởi cây cói có thể là nguồn sống sự ấm no, nhưng cũng có thể là cội nguồn của sự đói kém.
"Thời bấy giờ, ngoài sản xuất còn đứng ra bao tiêu sản phẩm chiếu cói để xuất khẩu. Vậy là hàng nghìn đôi chiếu bị vứt chỏng chơ trong kho. Từ một gia đình có mức sống khá giả, tôi rơi vào cảnh nợ nần chồng chất vì không bán được hàng. Đồ đạc trong gia đình cứ thế được đem đi gán nợ. May sao xóm làng vẫn đậm nghĩa tình, nên gia đình tôi vẫn giữ được nếp nhà để ở và nợ nần được cho khất trả dần" – bà Việt trải lòng.
Được biết, cả huyện Nga Sơn lúc bấy giờ cũng lao đao như bà Việt, những chương trình dự án chuyển đổi nghề nông được chính quyền đề xuất. Nghề chiếu cói truyền thống gần như mất hẳn. Đất cói được chuyển đổi sang trồng lúa, trồng màu. Tuy vậy thổ nhưỡng của đất cũng chỉ hợp với cói, nên khi đưa cây lúa và các về trồng đều không thích hợp. Người dân Nga Sơn phải chạy vạy tứ xứ làm ăn, còn bà Việt từ một người thợ đam mê và dệt chiếu tài hoa (một ngày dệt được 2 chiếc chiếu) phải chuyển sang nghề buôn bán thực phẩm để nuôi 5 cô con gái. Mỗi lần về ngang những cánh đồng cói xác xơ đầy cỏ dại, trái tim bà như thắt lại, giọt nước mắt mang theo hình ảnh thời kỳ hoàng kim sôi động của nghề cói tự nhiên tuôn trào trên khóe mắt, mang theo hi vọng và ước mơ về đồng cói xanh tươi ngày nào.
"Bà Việt là một trong những người tiên phong mở đường, vực dậy nghề cói đưa chiếu Nga Sơn từ nguy cơ chỉ còn trong ca dao trở lại trường tồn với thời gian" - Bí thư huyện uỷ Nga Sơn Lê Ngọc Hợp cho biết.
Nghe đến chuyện tái lập nghề cói, xoá đói giảm nghèo cho bà con vùng cói, ánh mắt của bà Việt trở nên trầm tư, xúc động: "Được như ngày hôm nay, tôi mang ơn một ân nhân không những cho tôi mà cho cả nghề cói Nga Sơn. Tuy chỉ quen nhau được một lần qua việc mua bán chiếu, nhưng ông ấy là người miền Nam đã mang đến cho tôi một hướng đi mới, một ý chí mới để bám nghề cói truyền thống của quê hương".
Đã từng ngã gục bởi những lời hứa hẹn, nhưng lần này đối tác miền Nam đã đưa niềm tin về cuộc sống và hình ảnh tương lai về việc gắn bó với nghề chiếu cói Nga Sơn sưởi ấm tấm lòng bà Việt. Cuộc buôn bán diễn ra đúng theo lời hẹn. Bà Việt đã có một số vốn và nhất là quyết tâm tiếp tục bám trụ nghề đan chiếu truyền thống của quê hương cũng như đã hiểu ra rằng, còn rất nhiều địa phương trong toàn quốc, nơi mà chiếu cói Nga Sơn có thể là mặt hàng chủ lực trong cuộc sống dân sinh. Quan trọng là tìm được đối tác và thị trường. Từ đó, khu chợ huyện Nga Sơn, ở chỗ bán thực phẩm bắt đầu vắng mặt một người buôn bán cần mẫn và uy tín.
Cái nắng nhẹ hanh hao đang đón Xuân về như dát vàng cho các sản phẩm của Công ty TNHH Việt Trang. Giữa sân nắng, các thành phẩm đồ thủ công vừa được dệt và đan từ cói như: túi xách, đôn ngồi, bàn, giỏ, chiếu… mà các thợ thủ công nhận khoán sản phẩm về, nay đem đến công ty giao hàng, được xếp đặt cẩn thận trước khi đưa lưu kho để giao cho bạn hàng. "Nghề đan cói giờ là nghề phụ, nhưng cũng tăng thu nhập cho một lao động từ 3-7 triệu đồng/tháng tùy theo năng suất đấy"-Bí thư Mai Văn Hải phấn khởi chia sẻ
Theo lời bà Việt, chúng tôi mới hiểu những gì đồng chí Bí thư huyện uỷ trao đổi về giá trị kinh tế của cây cói. Nếu như các nông sản khác, bán là xong. Thì cây cói ngoài giá trị cao gần gấp 3 lần cây lúa khi thu hoạch, thì còn giá trị khác đó là giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người người lao động. Bà Trần Thị Thu, 61 tuổi, thôn Giáp Nội, xã Nga Giáp, đã tham gia lao động ở công ty hơn 3 năm nay, cho biết: "Ngày đan nhanh thì được ba cái giỏ xách, kiếm rau, mắm, muối", cho biết: "Những ngày nông nhàn, tôi tranh thủ lên đây làm cho bà Việt. Một tháng chúng tôi cũng có thu nhập ổn định khoảng 3 -4 triệu đồng đủ tiền trang trải cho chi phí sinh hoạt của gia đình hàng ngày. Trước không có việc, phải ở nhà nên cuộc sống cũng gặp nhiều khó khan, thậm chí gia đình tôi còn vào diện hộ nghèo của xã."
Các sản phẩm từ cói
Cầm những thành phẩm lên ngắm nghía, chúng tôi chợt nhận ra, ngoài chất liệu bằng cói, sản phẩm thành phẩm còn được sử dụng các loại nguyên liệu khác như: cọng bèo khô, rơm khô, bẹ ngô khô, cây lúa non… Thấy sự ngạc nhiên của chúng tôi, bà Việt giải thích: "Những sản phẩm bằng chất liệu cói duy nhất chỉ có chiếu Nga Sơn, các sản phẩm khác, chúng tôi phải sử dụng nhiều chất liệu để tạo màu theo nhu cầu của khách hàng. Cũng là tăng thêm tính hấp dẫn, giảm đi sự đơn điệu của từng sản phẩm."
Như thấu hiểu nỗi lòng của mẹ, cả 5 cô con gái của bà đều cố gắng trong học tập. Cô con gái thứ 2 và thứ 3 thì giúp mẹ quản lý sản xuất và tìm thị trường trong nước. Cô con thứ 4 – Mai Vân Anh, học giỏi tiếng Nhật và được sang Nhật học tập. Cô con út Mai Thị Anh Đào học giỏi tiếng Anh. Hai người đã giúp mẹ quảng bá và tìm thị trường bên Nhật và các nước phương Tây, đến nay sản phẩm của công ty Việt Trang đã xuất khẩu sang 17 nước trên thế giới.
Bà Việt tâm sự thêm: "Cùng trải qua thăng trầm cùng cây cói của quê hương. Tôi rất mừng vì các con tôi cũng yêu và gắn bó với nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống gắn với cây cói. Sắp tới đây tôi sẽ chuyển sang công ty cổ phần nhường vị trí lãnh đạo và chỉ huy cho các con để mình có thời gian vui thú tuổi già. Tôi tin rằng, tâm huyết cả đời và sự yêu nghề của các con sẽ tiếp tục giúp giữ gìn và phát triển ngành nghề truyền thống của quê hương, góp phần xóa đói giảm nghèo cũng như tiến tới giúp bà con hàng xóm làm giàu trên chính mảnh đất Nga Sơn".
Mời các bạn đón đọc bài 2: Cói Nga Sơn trên đất Mỹ