THỨ HAI, NGÀY 28 THÁNG 10 NĂM 2024 12:57

Bạc Liêu đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề - việc làm cho LĐNT

Nhiều lao động nông thôn lựa chọn học nghề may. Ảnh: ĐVCC

Nhiều lao động nông thôn lựa chọn học nghề may. Ảnh: ĐVCC

Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề

Ðể đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nâng cao thu nhập cho LÐNT, tỉnh Bạc Liêu xác định, công tác đào tạo nghề là một trong những giải pháp vô cùng quan trọng. Do đó, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, vừa hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề, có nhiều cơ hội về việc làm trong tỉnh, ngoài tỉnh, kể cả đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 4/4/2023 của UBND tỉnh Bạc Liêu phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề là trên 82%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,43%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 26,57%. Trong đó, tập trung đào tạo các ngành, nghề gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; ưu tiên đào tạo nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP, các sản phẩm là thế mạnh của địa phương, gắn với phát triển du lịch, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn.

Theo bà Trần Yến Hoà - Phó Giám đốc Sở LÐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, trong thời gian qua, lực lượng lao động của tỉnh tăng cả về số lượng và trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thị trường lao động. Tuy nhiên, nhu cầu việc làm trong tỉnh chỉ mới chiếm khoảng 25% so với tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm. Chất lượng lao động tăng lên chưa nhiều, trong đó tỷ lệ lao động được đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ, có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp giỏi còn thấp, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động, dẫn đến việc làm thiếu ổn định và thu nhập thấp.

Ðể nâng cao nhận thức về công tác giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo nghề cho LÐNT, Sở LÐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức công tác truyền thông chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Ðồng thời, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong giai đoạn mới đã được Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh xác định là một trong những đột phá chiến lược.

Khai giảng lớp may công nghiệp cho lao động nông thôn. Ảnh: ĐVCC

Khai giảng lớp may công nghiệp cho lao động nông thôn. Ảnh: ĐVCC

Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp nhu cầu của người lao động và phù hợp KT-XH

Theo kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm năm 2023, Sở LÐ-TB&XH phấn đấu lao động qua đào tạo 14.000 người (trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp: 1.500 người; đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng: 12.000 người và đào tạo khác: 500 người). Ðến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 69,43%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ: 26,57%. Ðồng thời, giải quyết việc làm trong nước cho 18.500 người và đưa 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ngoài ra, kế hoạch đào tạo nghề từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Bạc Liêu dự kiến đào tạo nghề cho 120.000 LÐNT. Ðể hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng này, tỉnh đã tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của LÐNT trên địa bàn phù hợp và sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, của thị trường lao động.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bạc Liêu đã đào tạo 9.558 người, đạt 68,27% kế hoạch năm, tăng 47,32% so với cùng kỳ, trong đó đào tạo trình độ trung cấp 80 học sinh, sơ cấp 550 người, đào tạo dưới 3 tháng 8.928 học viên.

Trên cơ sở này, tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm và trung hạn về chỉ tiêu đào tạo, nguồn lực thực hiện đào tạo nghề cho LÐNT. Ðồng thời, tỉnh thành lập tổ chức có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, điều phối các hoạt động đào tạo nghề cho LÐNT trên địa bàn tỉnh, huyện, xã; chú trọng về chất lượng, hiệu quả trong chỉ đạo, điều phối thực hiện công tác đào tạo nghề cho LÐNT; tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đào tạo nghề cho LÐNT giai đoạn mới đến các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh lồng ghép, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đào tạo nghề cho LÐNT, trong đó có nguồn lực từ xã hội hóa. Xây dựng các mô hình đào tạo có hiệu quả thiết thực và phấn đấu đạt đa mục tiêu như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và tạo sinh kế của người dân, chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý, phù hợp với cơ cấu kinh tế, với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động; xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số, phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số; quan tâm đào tạo, phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và đổi mới phương pháp dạy và học; chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước và quản trị nhà trường. Công tác đào tạo nghề cần phải xem xét đến nhu cầu xã hội, đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm. Việc đào tạo nghề cho nông dân cũng cần quan tâm đến lĩnh vực quản lý kinh tế để người nông dân có tầm nhìn rộng và toàn diện hơn.

Ðặc biệt, Sở LÐ-TB&XH sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của HÐND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 và Kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh về phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh năm 2023; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhật Bách

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh