THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 06:35

Ánh sáng hạnh phúc từ đèn ve chai

Đó là thành quả của dự án “Ánh sáng hạnh phúc” của thầy Phạm Thư Tùng (giáo viên môn vật lý) và thầy Mai Xuân Long (môn toán) Trường Ernst Thalmann (quận 1, TP HCM) thực hiện cùng với 45 học sinh (HS) của trường. Dự án dạy học sáng tạo này cũng vừa đoạt giải nhất tại vòng chung kết cấp thành phố cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tổ chức ngày 19-2.

Day dứt từ một chuyến thăm

Trong một lần tham gia chuyến tổ chức trung thu cho những trẻ em khó khăn ở quận 8, thầy Phạm Thư Tùng thấy còn nhiều gia đình nghèo, sống chật vật trong những phòng trọ tối tăm. Do hoàn cảnh khó khăn, những hộ dân ở đây phải tiết kiệm mọi thứ, kể cả ánh sáng. Câu hỏi đặt ra là phải làm gì đó để giúp người nghèo có ánh sáng sạch, rẻ và có thể sử dụng lâu dài. Day dứt với câu hỏi đó rồi trong một lần khác, thầy Tùng xem được hình ảnh ở nước ngoài về mô hình làm bóng đèn năng lượng mặt trời chỉ sử dụng chai nước và tấm tôn nhưng rất thành công. “Dự án “Ánh sáng hạnh phúc” hình thành từ đó và nó thôi thúc tôi mãi. Khi tôi chia sẻ với đồng nghiệp và HS ở các lớp tôi dạy nhưng không ngờ được ủng hộ quá, rồi bắt tay thực hiện ngay” - thầy Tùng cho biết.

Nghĩ là làm, dự án được triển khai từ cuối tháng 9-2016. Khi bắt tay vào thực hiện, không ít ý kiến cho rằng cả thầy và trò cùng “liều” vì việc liên kết học sinh từ khối 10 đến khối 12 là cả một vấn đề. Trong khi đó, học sinh khối 12 lại đang trong giai đoạn tập trung cho các kỳ thi.

Nguyên liệu chính của dự án là những đồ phế thải đã bỏ đi nên dù tên dự án là “Ánh sáng hạnh phúc” nhưng khi thực hiện, thầy và trò vẫn quen gọi là “đèn ve chai” bởi ánh sáng được tạo nên từ những chai nhựa đã bỏ đi đựng đầy 1,5 lít nước và miếng tôn gắn ngang thân để khuếch tán ánh sáng dựa trên hiện tượng khúc xạ. Bên trong chai được lắp đèn Led, bộ nạp ắc quy. Trên miếng tôn được lắp cùng pin mặt trời. Ban ngày, điện sẽ được nạp vào ắc quy thông qua tấm pin mặt trời; tối đến, đèn trong chai nước sẽ phát sáng giúp người sử dụng vừa có thêm ánh sáng vừa tiết kiệm điện.

Thầy và trò cùng thi công lắp đèn tự sáng chế ở nhà dân

Theo thầy Tùng, khi thực hiện dự án, 45 em của 7 lớp được chia thành các nhóm chuyên môn với những công việc được phân công cụ thể, như: nhóm thi công, làm công việc lắp ráp thực tế, nhóm mô hình chế tạo sản phẩm, nhóm điện tử chuyên nghiên cứu đèn Led, pin mặt trời, nhóm design làm các công việc thiết kế poster..., nhóm truyền thông (quảng cáo, lan tỏa dự án, làm phim). Sau đó, lần lượt từng nhóm được hai thầy tập huấn kỹ năng một cách kỹ lưỡng trong gần một tháng. Rồi thầy trò tiến hành mua và chuẩn bị vật liệu, thực hành làm những phần cơ bản nhất như hàn điện, cắt khoan, làm con chíp...

Vận dụng kiến thức để chia sẻ yêu thương

Thầy Phạm Thư Tùng cho biết trong quá trình làm việc, thầy trò gặp rất nhiều khó khăn. Có những lúc buồn lòng vì học sinh lơ đễnh, làm cho có. Rồi những khó khăn hiện hữu như về tài chính, để hoàn thiện, thầy trò đã tốn gần 20 triệu đồng. Trong đó, 90% do thầy bỏ tiền ra nhưng vì thu nhập không có nên thầy phải nhờ sự hỗ trợ của ba mẹ, số còn lại do học sinh đóng góp.

“Nhưng rồi, thầy và trò động viên nhau vượt qua hết. Cứ đến thứ bảy hằng tuần hoặc ngoài giờ học lại mượn phòng thí nghiệm vật lý của trường để mày mò và làm các công việc lắp ráp, thử nghiệm như nối cầu chì, khoan và cưa tôn, trèo thang thử bóng đèn… cho đến khi sản phẩm hoàn chỉnh” - thầy Tùng chia sẻ. Chưa an tâm, sau khi tạo ra được mô hình sản phẩm, hai thầy giáo cùng học trò lắp thử nghiệm tại nhà kho của nhà trường và tại nhà một giáo viên trong trường để chỉnh sửa. Sau đó, thầy trò mới chính thức lắp đặt tại các hộ dân ở quận 8.

Nhớ lại quá trình thực hiện, thầy Mai Xuân Long cho biết các em cũng đã thất bại rất nhiều mới tạo ra được sản phẩm hoàn thiện cuối cùng. “Nhưng điều đáng mừng là các em đã làm rất tốt, nỗ lực nắm bắt kiến thức rất nhanh để làm bằng được chứ không phải thấy khó là bỏ” - thầy Long tự hào.

Em Ngô Huyền Trúc Nhi, học sinh lớp 11A4, kể khi lắp bóng đèn hoàn thiện, thấy người dân vui rồi cảm ơn rối rít, cả thầy và trò đều vui lắm. “Có đi như thế, em mới biết mình thật may mắn hơn nhiều người trong cuộc sống này để trân trọng những gì mình có và học cách chia sẻ yêu thương” - Nhi xúc động.

Góp phần đổi mới cách dạy và học

Đánh giá về dự án, cô Trần Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thalmann, cho hay suốt gần 3 tháng qua, hai thầy và các trò đã miệt mài cả ngày lẫn đêm ở trường. Ngay cả trong ngày Tết dương lịch, thầy trò bỏ cả ngày nghỉ để đến với xóm nghèo ở quận 8 thi công, chăm chút những sản phẩm của mình. Đó là những việc làm rất đáng trân trọng. Và bài học của các em không chỉ dừng lại ở lớp học mà vươn xa đến những xóm nghèo, đưa kiến thức của mình đến thực tế một cách ý nghĩa nhất. “Những dự án như thế này tích hợp kiến thức liên môn của các môn toán, lý, hóa, sinh, văn, tin và giáo dục công dân vào thực tế, giúp các em trưởng thành hơn. Nó cũng góp phần rất nhiều vào sự đổi mới dạy và học của nhà trường” - cô Thơm khẳng định.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh