9 tháng, doanh thu Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt hơn 73 nghìn tỷ đồng
- Bệnh mất ngủ
- 14:16 - 20/10/2019
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường và phòng chống cháy nổ của Nhà máy lọc dầu Dung Quất được đảm bảo; không có sự cố mất an ninh, cháy nổ, môi trường và mất ngày công lao động. Tính đến cuối tháng 9/2019, Công ty đạt hơn 22,7 triệu giờ công an toàn không có tai nạn lao động mất ngày công.
Tiết kiệm chi phí, gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh
Trong 9 tháng năm 2019, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành an toàn, ổn định ở 107% công suất thiết kế. Công tác xử lý tình huống khẩn cấp, tầm soát rò rỉ, công tác bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ được tổ chức và thực hiện theo kế hoạch, đảm bảo chất lượng, giữ ổn định Nhà máy.
Điểm nổi bật của Nhà máy lọc dầu trong 9 tháng năm 2019 là công tác tiết kiệm chi phí. Việc kiểm soát, tiết kiệm chi phí được lãnh đạo Công ty quán triệt đến từng cán bộ công nhân viên và được thực hiện thường xuyên, liên tục. Công tác vận hành sản xuất của Nhà máy được duy trì ổn định tại công suất tối ưu, đồng thời các khoản chi phí sản xuất kinh doanh ngoài dầu thô như hóa phẩm xúc tác, chi phí sản xuất chung… đều thấp hơn so với kế hoạch đề ra.
Theo số liệu tính toán, chi phí sản xuất tiếp tục được tối ưu, tính đến hết tháng 8/2019, so với cùng kỳ năm 2018 giảm 7,4%. Tiêu thụ năng lượng nội bộ giảm đáng kể, so với năm 2018 giảm từ 7,05%wt xuống còn 6,98%wt (tương ứng giảm 1,1%), trong đó lượng dầu Fuel Oil (FO) tiêu thụ giảm 14,9%, tương ứng đã tiết kiệm khoảng 66 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí giá thành sản phẩm cũng được kiểm soát soát tốt, góp phần làm gia tăng lợi nhuận của Công ty.
Khả năng thanh toán nợ của Công ty trong 9 tháng tương đối tốt thể hiện qua các hệ số thanh toán. Hệ số về khả năng thanh toán hiện hành của Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại thời điểm cuối quý III/2019 là 2,118>1, cao hơn so với thời điểm cuối quý II/2019 (2,016); điều này thể hiện khả năng thanh toán của Công ty nằm trong ngưỡng an toàn và có khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu (theo hướng dẫn của Nghị định 91/2015/NĐ-CP) cuối tháng 9/2019 là 0,526; chỉ số này nhỏ hơn 3, cho thấy cơ cấu giữa nợ và vốn chủ sở hữu nằm trong mức an toàn và mức độ tự chủ về tài chính của Công ty rất cao. Hệ số nợ/tổng tài sản là 0,364 thấp hơn so với thời điểm 30/6/2019 (0,379), cho thấy tổng nợ phải trả chiếm 36,4 % trong tổng tài sản của Công ty, còn lại 63,6 % là vốn chủ sở hữu.
Các hệ số thanh toán tốt chứng tỏ dòng tiền hoạt động kinh doanh của Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất duy trì khá tốt vì Nhà máy đã áp dụng các giải pháp về tài chính như kết hợp hạn mức tín dụng và tiền gửi kỳ hạn linh hoạt, cân đối dòng tiền thu chi, áp dụng giải pháp điều hành dòng tiền mang lại hiệu quả cao nhất cho Nhà máy, thực hiện các giải pháp để thu xếp ngoại tệ thanh toán kịp thời trong tháng với chi phí thấp và tăng hiệu quả.
Cơ hội cho Bình Sơn
Trong thời gian tới, nhiều cơ hội tiếp tục mở ra cho BSR. Về công tác dầu thô, BSR được chủ động, tự chủ trong kinh doanh dầu thô, bao gồm mua và xuất bán dầu thô. BSR đang hoàn thiện Quy chế mua dầu thô, hoàn thiện công thức rổ dầu, lên kế hoạch mua dầu dài hạn để tăng sự chủ động và hiệu quả. Ngoài ra, chính sách nhập khẩu dầu thô đã được Chính phủ tháo gỡ. Theo đó, mặt hàng dầu mỏ thô (mã hàng 2709.00.10) mức thuế suất nhập khẩu thông thường sẽ giảm từ 5% xuống còn 0% từ ngày 1/11/2019. Với quyết định này của Chính phủ sẽ là cơ hội rất lớn cho các nhà máy lọc dầu trong nước tiếp cận nguồn dầu thô nhập khẩu với giá cạnh tranh, trong đó có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Ngoài việc chế biến thử nghiệm thành công dầu thô mới WTI Midland và nâng tỷ lệ chế biến thử nghiệm dầu Ruby, BSR đang nghiên cứu thử nghiệm chế biến lô dầu Bonny Light trong tháng 10/2019. BSR dự kiến tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, đánh giá các loại dầu thô mới, đưa vào chế biến từ 2 - 3 loại dầu mới trong năm 2020, với mục tiêu tăng tỷ trọng chế biến dầu nhập khẩu lên 51%.
BSR đã triển khai thành công 4/16 giải pháp tối ưu năng; 6/16 giải pháp được tiếp tục thực hiện theo kế hoạch đề ra. BSR cũng đã tiến hành vận hành thử nghiệm thành công tăng công suất phân xưởng NHT từ 125% lên 130% công suất thiết kế, phân xưởng ISOMER từ 130% lên 150% công suất thiết kế và phân xưởng PP từ 110% lên 112%. BSR tiếp tục làm việc với Nhà bản quyền công nghệ như Axens, MCI để triển khai dự án nâng công suất các phân xưởng RFCC (cao hơn 100% mà không cần cải hoán và hoặc cải hoán nhỏ) và phân xưởng PP (lên 115% công suất thiết kế) và phân xưởng KTU (trên 130% công suất thiết kế mà không cần cải hoán và hoặc cải hoán nhỏ).
Bên cạnh đó, BSR hướng đến tối ưu hóa chất lượng sản phẩm, sản xuất ra các sản phẩm ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường như nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm hạt nhựa Polypropylen; nâng cấp chất lượng đầu ra của dầu FO đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng hải Quốc tế 2020 (IMO 2020) để cung cấp cho các tàu biển.