67 triệu trẻ em không được tiêm vaccine do Covid-19
- Sức khỏe
- 14:24 - 20/04/2023
- Hà Nội ra công văn hoả tốc phòng, chống dịch COVID-19
- Bộ Y tế đề nghị các địa phương đề xuất bao nhiêu vaccine COVID-19 nhận bấy nhiêu
- Hải Phòng khẩn trương chống dịch sau khi phát hiện chùm ca mắc COVID-19 ở trường học
- Bộ Y tế ra công văn khẩn về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19
- Ngày 11/4: 183 ca mắc COVID-19
"Thành quả hơn một thập kỷ khó nhọc mới đạt được trong việc tiêm chủng định kỳ cho trẻ em đã bị xói mòn", một báo cáo mới từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hôm 20/4 cho biết. Cơ quan này thêm rằng, việc đưa hoạt động tiêm chủng trở lại đúng hướng sẽ là một thách thức.
Trong 67 triệu trẻ em bị "gián đoạn nghiêm trọng" việc tiêm vaccine, có 48 triệu trẻ đã bỏ lỡ hoàn toàn các mũi vaccine thông thường. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng bùng phát bệnh bại liệt và sởi trong tương lai.
Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em giảm ở 112 quốc gia, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng trên toàn thế giới giảm 5 điểm xuống còn 81%, mức thấp chưa từng có kể từ năm 2008. Trong đó, khu vực châu Phi và Nam Á bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.
"Vaccine đóng một vai trò thực sự quan trọng trong việc giúp nhiều trẻ em sống khỏe mạnh và trường thọ. Bất kỳ sự sụt giảm nào về tỷ lệ tiêm chủng đều đáng lo ngại", ông Brian Keeley, chủ biên báo cáo trên, nói.
Ước tính vaccine đang bảo vệ tính mạng cho 4,4 triệu người mỗi năm và Liên Hợp Quốc muốn đưa con số này tăng lên 5,8 triệu người vào năm 2030, nếu đạt được mục tiêu đầy tham vọng là "không ai bị bỏ lại phía sau".
Trước khi có vaccine vào năm 1963, bệnh sởi đã cướp đi sinh mạng của 2,6 triệu người mỗi năm, chủ yếu là trẻ em. Đến năm 2021, con số giảm xuống còn 128.000. Nhưng từ năm 2019 đến 2021, tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng sởi đã giảm từ 86% xuống 81% và số ca mắc bệnh vào năm 2022 tăng gấp đôi so với năm 2021.
Ông Keeley cảnh báo, tỷ lệ tiêm chủng trượt dốc có thể trở nên nghiêm trọng hơn bởi các cuộc khủng hoảng khác, từ biến đổi khí hậu đến mất an ninh lương thực. "Ngày càng có nhiều xung đột, đình trệ kinh tế ở nhiều quốc gia, tình trạng khẩn cấp về khí hậu... Tất cả những điều này khiến hệ thống y tế và các nước càng khó đáp ứng nhu cầu tiêm chủng", ông nói.
Do đó, UNICEF kêu gọi các chính phủ nỗ lực tăng cường ngân sách cho tiêm chủng, đặc biệt chú ý đẩy nhanh việc tiêm chủng, giúp những người đã bỏ lỡ được tiêm chủng kịp thời.
Báo cáo cũng nêu lên mối lo ngại về sự sụt giảm niềm tin của người dân đối với vaccine, xuất hiện ở 52 trong số 55 quốc gia được khảo sát. Theo báo cáo, niềm tin vào vaccine "không ổn định và tuỳ theo thời điểm cụ thể", đồng thời lưu ý rằng cần phân tích thêm để xác định những phát hiện này có phải xu hướng dài hạn ngoài đại dịch hay không.
"Chúng ta không thể để niềm tin vào việc tiêm chủng định kỳ trở thành một nạn nhân khác của đại dịch. Nếu không, làn sóng tử vong tiếp theo có thể là nhiều trẻ em mắc bệnh sởi, bạch hầu hoặc các bệnh có thể phòng ngừa khác", Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF, cảnh báo.
Nhìn chung, sự ủng hộ đối với vaccine trên toàn cầu vẫn tương đối mạnh. Tại khoảng một nửa trong số 55 quốc gia được khảo sát, hơn 80% số người được hỏi nhận thấy vaccine là quan trọng đối với trẻ em. Ông Keeley cho rằng, có lý do để hy vọng dịch vụ tiêm chủng đang phục hồi ở một số quốc gia và dữ liệu tiêm chủng sơ bộ từ năm 2022 đã cho thấy những dấu hiệu đáng khích lệ.