Giáo dục là điều quan trọng nhất trong gia đình
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, điều quan trọng nhất trong gia đình là giáo dục. Giáo dục không chỉ là truyền dạy những kiến thức cơ bản, mà còn bao hàm nhiều vấn đề khác về kỹ năng, trí tuệ, học vấn, nhân cách, tâm hồn và cảm xúc.
Vấn đề giáo dục gia đình cần phải được đặt ra rõ ràng trong chiến lược phát triển văn hóa. Để nâng cao vai trò của giáo dục gia đình, chúng ta cần có sự nghiên cứu kế thừa sâu sắc các giá trị giáo dục gia đình truyền thống, kết hợp với những xu hướng giáo dục hiện đại, xây dựng những quy chuẩn mới cho giáo dục gia đình.
Cha mẹ cần được tập huấn, học cách giáo dục con cái. Bởi khi chúng ta có được vật chất đầy đủ, nhưng đạo đức trong gia đình bị phá vỡ thì hệ lụy tới toàn bộ hệ thống đạo đức xã hội. Chiến lược này không phải chỉ của nhà trường, chính quyền, gia đình, xã hội, mà tất cả những tổ chức liên quan phải cùng làm việc này. Giáo dục không chỉ là truyền những kiến thức cơ bản, giáo dục còn bao hàm nhiều vấn đề khác về kỹ năng, trí tuệ, học vấn, nhân cách, tâm hồn và cảm xúc.
Ở Việt Nam, những vấn đề khủng hoảng trong gia đình đã trở nên đáng báo động từ 20 - 30 năm nay. Hàng ngày, ở bên cạnh con cái, cùng ăn uống, đi chơi, cha mẹ tưởng đã hiểu rõ chúng, nhưng thực ra không hoàn toàn vậy. Nhiều khi trẻ vẫn sống cuộc sống bình thường, vẫn về đúng giờ, vẫn nghe lời bố mẹ, nhưng thực ra bên trong là sự phản kháng, trẻ nghĩ tới nơi nào đó mà trẻ được tôn trọng, chia sẻ, che chở, đồng hành. Khi cha mẹ không nắm bắt được suy nghĩ và tâm tư của trẻ, thì sẽ có nguy cơ trẻ tách khỏi gia đình. Đó là thất bại của giáo dục trong gia đình, cũng như nhà trường.
Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ chính là những từ khóa cần có trong mỗi gia đình. Để có được 4 từ khóa này phải có sự thấu hiểu, cha mẹ phải thấu hiểu những trạng thái tâm lý khác nhau của trẻ. Cha mẹ cần quan sát từng động thái của trẻ, từ ăn, nói, ngủ, chơi với bạn bè… Khi yêu thương thì sẽ có sự quan sát đầy đủ, nhưng phải có sự hiểu biết về giáo dục trẻ, hiểu biết về tâm sinh lý để biết trẻ có đang bị lệch lạc không. Nếu cha mẹ không hiểu đúng thì phương pháp giáo dục sai và sẽ nhầm lẫn. Cha mẹ phải hiểu, khi trẻ bất chợt xuất hiện ngôn ngữ, hành động hay biểu hiện lạ là dấu hiệu muốn cảnh báo điều gì. Yêu thương là gốc, từ yêu thương sinh ra bình đẳng, tôn trọng, từ bình đẳng có thể sinh ra chia sẻ, nhưng điều quan trọng dẫn sự yêu thương đó đi đúng đường cần có sự thấu hiểu.
Cần có một kênh truyền hình về giáo dục gia đình trong giờ vàng
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay, ở các quốc gia phát triển, việc giáo dục gia đình rất được chú trọng, họ có riêng 1 kênh giáo dục gia đình trên truyền hình cho các phụ huynh được lắng nghe thường xuyên, biết những câu chuyện thực tiễn, những nguyên lý giáo dục con.
Các nước phát triển ngay gần chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc... việc giữ gìn truyền thống vẫn là mẫu mực để học tập. Ngay trong mỗi căn nhà của chúng ta vẫn còn ban thờ gia tiên, sự sum họp của nhiều thế hệ, những câu chuyện của lòng hiếu thảo, câu chuyện của tôn sư trọng đạo. Nếu như mỗi đứa trẻ từ bé được giáo dục, được truyền cho tình yêu thiên nhiên, giữ gìn truyền thống, là sẽ giữ được cả những nếp nhà.
“Vai trò giáo dục lòng nhân ái là một yêu cầu tối quan trọng. Khi một đứa trẻ biết yêu một con chim, một cái cây thì tự khắc nó sẽ yêu một con người.” - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, ông có cháu nội 4 tuổi, tên yêu là Mem, những lúc đi đón cu Mem về nhà là những giây phút hạnh phúc vô cùng. Ông luôn dành nhiều thời gian bên cháu để hiểu cháu hơn, hai ông cháu có thể ngồi “bàn luận” với nhau, cả hai có thể ngồi cùng vẽ tranh, bàn về thơ bên nhau rất vui vẻ. “Khi về quê, tôi đưa cháu đi chơi, đi câu hay vào khu vườn, hay xem mùa hoa cải nở vàng, cùng hòa đồng vào hoạt động của trẻ: đùa nghịch, chạy, lội nước, bắt gà, bứt lá cây,… để trẻ có thể chia sẻ và lắng nghe. Mình phải bằng tấm gương, lấy yêu thương là nền tảng, nhưng khoa học là sự hiểu biết, lắng nghe là dẫn đường, không thì chúng ta sẽ hành động sai” – Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
“Hàng ngày, tôi vẫn lắng nghe, quan sát cháu nội. Tôi phải vào mạng xem cách ứng xử với đứa trẻ theo từng lứa tuổi như thế nào để học, để biết cách phát hiện rằng trẻ đang có những bước đi đến đâu, liệu trẻ có đang rời xa chúng ta ở mức độ nào và chúng ta đang sai lầm gì trong giáo dục? Tôi nghĩ rằng, phải có lời hiệu triệu tất cả phụ huynh nâng cao hiểu biết về giáo dục đạo đức, tâm hồn cho con trẻ, cũng như cảnh báo những nguy cơ trẻ tách khỏi gia đình, đồng thời giáo dục gia đình cần phải được đặt ở giờ vàng trên truyền hình, các phương tiện truyền thông.