THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:00

4 cách bồi dưỡng năng lực Hội đồng tự quản VNEN

 

Giờ học VNEN tại Trường tiểu học Hạnh Sơn.


Để làm được việc đó, giáo viên cần tìm hiểu kĩ về từng học sinh của lớp mình và coi trọng công tác tổ chức lớp ngay từ đầu năm học.

Thành lập Hội đồng tự quản tổ chức ít nhất 2 lần/năm học

Theo kinh nghiệm của cô Phạm Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hạnh Sơn (huyện Văn Chấn, Yên Bái) - trước tiên, giáo viên cần thực hiện đúng các bước thành lập Hội đồng tự quản.

Việc thành lập Hội đồng tự quản phải tổ chức ít nhất 2 lần/năm học. Các lớp cũng có thể tổ chức 2 tháng/1 lần nhằm mục đích phát huy sự cạnh tranh, ganh đua lành mạnh giữa các học sinh, thúc đẩy sự tiến bộ, đồng thời bồi dưỡng được nhiều học sinh năng động, mạnh dạn, tự tin.

Để bồi dưỡng năng lực cho Hội đồng tự quản, nhóm trưởng, cô Phạm Thị Thu Huyền cho biết, các giáo viên có thể thực hiện một số cách sau đây:

Cách 1: Trong các hoạt động của lớp, giáo viên cần phát huy tốt vai trò của Hội đồng tự quản và các nhóm trưởng, thường xuyên giao việc và hướng dẫn các em thực hiện nhiệm vụ của mình. Sau đó, giáo viên theo dõi, đánh giá hiệu quả công việc, điều chỉnh cách thực hiện cho phù hợp. Vì khi hoạt động, làm việc, trải nghiệm con người sẽ trưởng thành hơn.

Cách 2: Có thể cho Hội đồng tự quản của lớp xem băng hình về tiết dạy Bộ GD&ĐT cung cấp và yêu cầu học sinh quan sát các bạn Hội đồng tự quản của lớp đó hoạt động như thế nào.

Cách 3: Tổ chức cho Hội đồng tự quản của lớp tham quan học tập Hội đồng tự quản của lớp khác trong trường để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm.

Cách 4: Giáo viên làm mẫu các vai trong Hội đồng tự quản để học sinh học tập, sau đó cho các em thực hiện lại.

Tất cả các cách trên đòi hỏi giáo viên phải nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao, chịu khó học hỏi, yêu công việc.

Bồi dưỡng năng lực điều hành của nhóm trưởng

Hình thức đặc trưng của lớp học VNEN là học sinh ngồi theo nhóm. Mỗi nhóm có khoảng từ 4 đến 6 học sinh. Có nhóm trưởng điều hành hoạt động của mỗi nhóm.

Cô Phạm Thị Thu Huyền cho rằng: Ưu điểm của phương pháp học nhóm được phát huy rất rõ nét, tất cả học sinh trong nhóm đều được luân phiên nhau làm nhóm trưởng, hướng dẫn các bạn trong nhóm để điều hành các hoạt động do giáo viên yêu cầu và không có một bất cứ học sinh nào ngoài cuộc, không một học sinh nào ngồi chơi.

Tuy nhiên, để tiết học dạy theo mô hình VNEN thành công hay không thì phụ thuộc rất nhiều vào các nhóm trưởng. Công việc chính của nhóm trưởng là: Thay giáo viên điều hành các bạn hoạt động nhóm; xác định được mục tiêu của hoạt động nhóm; phân công nhiệm vụ cho công bằng giữa các thành viên trong nhóm; quan sát và hướng dẫn các bạn đánh giá bài học, báo cáo kết quả học tập với giáo viên...

Nhóm trưởng cũng phải tự biết làm thế nào để huy động được sự tham gia của mọi thành viên vào giải quyết nhiệm vụ nhóm và phải tạo ra những tương tác đa chiều giữa các thành viên trong nhóm.

Đồng thời, hướng dẫn các bạn biết cách tìm kiếm hỗ trợ và giải quyết được một số khó khăn gặp phải; biết quản lí và sử dụng thời gian hiệu quả, biết sử dụng và bảo quản tài liệu học tập; biết tổ chức và quản lí công việc; biết giơ thẻ khi đã hoàn thành công việc và biết giơ thẻ cứu trợ khi không tự giải quyết được công việc.

Để bồi dưỡng năng lực điều hành của nhóm trưởng, giáo viên có thể thực hiện theo các cách như sau:

Cách 1: Vào cuối hoặc đầu mỗi buổi học, giáo viên mời các nhóm trưởng ngồi lại tạo thành một nhóm và hướng dẫn các em cụ thể từng bước một.

Ví dụ: Sau khi đã ghi xong tên bài học, nhóm trưởng điều khiển các bạn đọc mục tiêu. Nhóm trưởng nói to đủ cho cả nhóm nghe: “Mời các bạn đọc mục tiêu. Bạn nào đọc xong thì giơ tay lên”. Nhóm trưởng nói: “Mời bạn A đọc mục tiêu thứ nhất”. Mời bạn B đọc mục tiêu thứ hai... Sau đó, tiếp tục tổ chức cho các bạn thực hiện tiếp hoạt động tiếp theo dựa vào logo.

Cách 2: Đối với những nhóm còn yếu, nhóm trưởng làm việc còn lúng túng, giáo viên phải là người “làm mẫu” và đóng vai trò là một nhóm trưởng chứ không phải vai trò là một người giáo viên.

Cách 3: Giáo viên chọn ra một số học sinh học giỏi, nhanh nhẹn trong học tập xếp cho các em này ngồi vào một nhóm để giáo viên huấn luyện khi học sinh đã biết việc và biết cách điều hành nhóm rồi thì chia các bạn này đến mỗi nhóm mỗi bạn làm nhóm trưởng các nhóm.

Cách 4: Giáo viên cho nhóm làm tốt làm mẫu thảo luận một hoạt động nào đó và các nhóm còn lại chú ý để học tập theo. Giáo viên cũng không quên động viên, tuyên dương kịp thời các nhóm làm tốt.

"Vị trí đứng của giáo viên khi các nhóm thảo luận cũng hết sức quan trọng. Qua kinh nghiệm giảng dạy, tôi nhận thấy giáo viên nên bao quát lớp, vừa đánh giá đúng nhóm nào làm nhanh nhất, chậm nhất, nhóm nào giơ thẻ hoàn thành lên trước hoặc nhóm nào chậm nhất, nhóm nào giơ thẻ cần cứu trợ, để từ đó giáo viên kịp thời đến kiểm tra hay giúp đỡ" - cô Phạm Thị Thu Huyền lưu ý.

Theo HẢI BÌNH / giaoducthoidai.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh